Tận dụng lợi thế địa phương, những năm qua huyện Gia Viễn đã tập trung quy hoạch, mở rộng vùng nuôi thả thủy sản. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững.

Trên diện tích 5,5 hecta đất trồng lúa kém hiệu quả, anh Tô Văn Hậu, xóm 7, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn đã mạnh dạn đấu thầu chuyển đổi sang nuôi thả thủy sản. Anh Hậu đã đầu tư quy hoạch làm 7 ao nổi lót bạt nuôi thả các loại cá truyền thống với mật độ dày và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại như lắp đặt hệ thống quạt nước, hệ thống quản lý ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học bằng men gốc. Chính vì vậy, sản lượng cá hàng năm của gia đình đạt trên 150 tấn, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận cao cho gia đình.
Anh Tô Văn Hậu cho biết: Trong quá trình nuôi cá, gia đình đã được địa phương, các cấp hội nông dân quan tâm, hỗ trợ chuyển giao về mô hình nuôi ghép cá trắm với các loại cá khác bằng công nghệ vi sinh. Nhờ áp dụng công nghệ này, môi trường nước được kiểm soát tốt hơn, việc chăm sóc cá cũng trở nên thuận lợi hơn.
Để tăng cường liên kết hợp tác, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị, anh Hậu đã liên kết các hộ trong xã thành lập Tổ hợp tác nuôi thả thủy sản với phương châm cùng làm, cùng hưởng. Ngoài cung cấp ổn định sản lượng cá tươi cho thương lái, Tổ hợp tác còn liên kết chế biến 2 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP là chả cá và ruốc cá thảo dược vị nghệ được thị trường ưa chuộng và lựa chọn.
Ông Ninh Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú thông tin, để tạo thuận lợi cho các hộ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đảng ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, dồn điền đổi thửa; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ tối đa nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng, đặc biệt là tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cây con giống cho các hộ.
Trong năm 2024, thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt thâm canh, Hội Nông dân xã Gia Phú đã tiếp nhận nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho 4 hộ nuôi trồng thủy sản vay với số tiền 100 triệu đồng/hộ. Đến nay, diện tích nuôi thả thủy sản của xã đạt trên 150 hecta, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.
Gia Viễn là địa bàn có địa hình không bằng phẳng nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm nên việc trồng lúa và các cây hoa màu ở các vùng trũng thấp hiệu quả không cao. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng hiệu quả, biến khó khăn thành lợi thế.
Theo đó đã khuyến khích nhân dân ở khu vực vùng cao tận dụng diện tích chân núi để trồng các loại cây ăn quả như na, bưởi, ổi và chăn nuôi các các con nuôi đặc sản như nhím, ong, dê, cừu… Đối với vùng chiêm trũng, huyện đã quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển vùng nuôi thả thủy sản tập trung, vì vậy diện tích nuôi thả thủy sản được mở rộng qua các năm. Nếu như năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là 1.700 ha thì năm 2020 tăng lên 2.300 ha. Đến năm 2024 đạt trên 2.700 ha, sản lượng trên 7.000 tấn, đạt giá trị từ 180 – 200 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Viễn cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên, nông dân đi đầu trong các phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập cao.
Đối với hoạt động nuôi thả thủy sản, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Trong năm 2024 đã tổ chức trên 100 buổi cho trên 15.321 lượt người dự, trong đó có các kỹ thuật về nuôi cá nước ngọt. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho 324 hộ nông dân vay phát triển kinh tế, thông qua 22 dự án, trong đó chăn nuôi chiếm 40%, nuôi trồng thủy sản chiếm 60%.
Hiệu quả kinh tế từ những mô hình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để nuôi thả thủy sản đã được khẳng định và đang từng bước lan tỏa tại huyện Gia Viễn. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân tích tụ đất hình thành các vùng nuôi thả tập trung, lựa chọn những đối tượng con nuôi thủy sản phù hợp, hiệu quả cao. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống và nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ để các hộ dân nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Minh Hải – Nguồn báo mới