Giải pháp chiến lược trong nuôi trồng thủy sản xuất khẩu

Ngành này vừa tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân, vừa đa dạng hóa sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng vào chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước và quốc tế.

Nâng chất lượng nuôi trồng

Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang cho biết: Nuôi trồng thủy sản có nhiều tiềm năng, thế mạnh, giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thời gian qua, lĩnh vực kinh tế này phát triển khá đều đặn; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 – 2024 khoảng 3,7%/năm về diện tích và 7,9%/năm về sản lượng. Một số đối tượng nuôi tăng đáng kể như tôm nuôi nước lợ 7,56%/năm, cua biển 7,02%/năm, nhuyễn thể 9,34%/năm… đóng góp quan trọng cho chế biến xuất khẩu của tỉnh, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 đạt 230,5 triệu USD.

Từ đầu năm 2025 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh 276.126 ha, đạt 85% kế hoạch; trong đó, nuôi tôm trên 134.000 ha, còn lại là thủy sản khác; sản lượng thu hoạch hơn 134.480 tấn, tăng hơn 25% so với cùng kỳ với hơn 50.170 tấn tôm. Tỉnh đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng năm 2025 đạt 420.000 tấn; trong đó, cá nuôi lồng bè trên biển 30.000 tấn, tôm 155.000 tấn.

nuôi trồng thủy sản

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng các mô hình nuôi an toàn, bền vững thích ứng, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi biển trên địa bàn đến năm 2030.

Hiện nay, loại hình nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, lót bạt đáy, nuôi theo quy trình 2 – 3 giai đoạn, công nghệ biofloc, ít thay nước, nuôi tuần hoàn khép kín… đã trở nên phổ biến trên đồng đất Kiên Giang. Nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm ở huyện Giang Thành cho biết: Nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-biofloc, Biofloc tăng năng suất từ 10 – 12 tấn/ha lên 30 – 50 tấn/ha; nuôi theo quy trình 2 – 3 giai đoạn, kiểm soát tốt môi trường nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế; lót bạt đáy ao kiểm soát chất lượng nước, hạn chế ô nhiễm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đàn tôm…

Tiếp đến, Kiên Giang phát triển mạnh loại hình nuôi tôm – lúa với khoảng 106.000 ha là “Mô hình sản xuất thông minh”, vừa giúp nông dân thu về hai nguồn lợi tôm và lúa, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần cải tạo môi trường sinh thái, thích nghi, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình này tập trung chủ yếu ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao và Hòn Đất, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi tôm kết hợp trồng lúa.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm được người dân, doanh nghiệp quan tâm trong quá trình sản xuất. Đến nay, tỉnh đã có hơn 800 ha, với 259 hộ nuôi đạt chứng nhận ASC theo tiêu chuẩn quốc tế. Mô hình này đã giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, góp phần thực hiện chương trình nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Nông dân Nguyễn Việt Anh ở ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh chia sẻ, mô hình tôm – lúa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi, giảm chi phí sản xuất, năng suất tôm trung bình 300 – 350 kg/ha và có nơi đạt 400 – 500 kg tôm/ha. Nông dân thả giống vào đầu mùa khô, tôm đạt kích cỡ thương phẩm 30 – 40 con/kg sau 4 – 5 tháng, trong quá trình sản xuất có thể thả nuôi xen cua biển.

Sau khi thu hoạch tôm, gieo sạ lúa để tận dụng dinh dưỡng từ chất thải của tôm, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Ưu điểm của mô hình sản xuất này là loại bỏ được chất hữu cơ dư thừa, hạn chế ô nhiễm, ít phát sinh dịch bệnh, môi trường sinh thái ổn định, tạo ra sản phẩm tôm sinh thái và lúa chất lượng cao.

Đối với loại hình nuôi lồng bè trên biển, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ nuôi mới, chuyển đổi từ lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bè Na Uy sử dụng lồng tròn bằng nhựa HDPE, có độ bền cao, chịu được sóng gió mạnh và nuôi với thể tích lớn.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi được 69 lồng nuôi tương ứng với khoảng 3.531m³, các mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực về kỹ thuật, tài chính, hạn chế được rủi ro cho người nuôi, góp phần thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi biển của tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Tỉnh thực hiện các chính sách tập trung phát triển kinh tế biển, thu hút nhiều nhà đầu tư nuôi lồng bè cá trên biển quy mô, phát triển nuôi cá biển xa bờ.

Hướng đến ngành kinh tế trọng điểm

nuôi trồng thủy sản

Mô hình nuôi trồng thủy sản tại xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên. Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN

Nuôi trồng thủy sản đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Kiên Giang, song những thách thức như biến đổi khí hậu, giá cả, thị trường xuất khẩu… đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần các giải pháp chiến lược phát huy hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang chỉ rõ, nuôi trồng thủy sản của tỉnh đang đối mặt với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường; biến động giá cả thị trường, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân; dịch bệnh chưa kiểm soát, xử lý triệt để trên đàn cá, đàn tôm nuôi; chất lượng giống và kỹ thuật sản xuất còn những hạn chế, bất cập; cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất… Tuy nhiên, Kiên Giang tập trung giải quyết tốt những thách thức này, linh hoạt ứng phó với những vấn đề mới có liên quan phát sinh để phát triển nuôi trồng thủy sản mạnh mẽ và bền vững, hướng đến ngành kinh tế trọng điểm quốc gia.

Theo đó, Kiên Giang tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cơ sở nuôi trồng thủy sản ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là trong nuôi tôm công nghiệp. Tỉnh tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, bền vững, chú trọng phát triển mạnh mô hình sản xuất tôm – lúa, nuôi tôm sinh thái, giảm thiểu rủi ro về thiên tai, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện năng suất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ngoài ra, Kiên Giang đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao, cống thủy lợi chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ tốt nhu cầu nuôi trồng thủy sản; xây dựng vùng nuôi tôm, cá trên địa bàn phù hợp với điều kiện khí hậu thay đổi, hỗ trợ nông dân thích ứng tốt hơn, sản xuất bền vững, hiệu quả.

Theo ông Lê Hữu Toàn, tỉnh khuyến khích liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chế biến xuất khẩu, nhằm giúp nâng cao giá trị, ổn định đầu ra sản phẩm, giảm thiểu rủi ro về giá cả, thị trường. Đồng thời, tỉnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản bền vững cho nông dân, doanh nghiệp; đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị, độ tin cậy của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

“Kiên Giang kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân, bảo vệ môi trường và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, ông Lê Hữu Toàn nhấn mạnh.

Lê Huy Hải (TTXVN) – Nguồn Báo mới

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật