Bài 3: Kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh và các bệnh phổ biến thường gặp

Kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh
Nuôi tôm sú quảng canh là phương pháp tận dụng tối đa các nguồn thức ăn tự nhiên.

Nuôi tôm sú quảng canh là một trong những hình thức nuôi trồng thủy sản phổ biến tại Việt Nam. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người nuôi có thể tận dụng nguồn nước và khí hậu để phát triển nghề này. Nuôi tôm không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân vùng ven biển.

Nuôi tôm sú quảng canh là gì?

Nuôi tôm sú quảng canh là phương pháp nuôi truyền thống trong môi trường tự nhiên ở các ao có diện tích lớn (thường từ 1-5 ha) với sự kết hợp tối ưu giữa yếu tố tự nhiên và can thiệp của con người, tận dụng tối đa ánh sáng, thức ăn tự nhiên và độ mặn của nước biển để nuôi tôm.

Mô hình này phù hợp nuôi ở các khu vực ven biển, đặc biệt là những vùng có hệ sinh thái phong phú. Nuôi tôm quảng canh không yêu cầu chi phí đầu tư lớn và chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong môi trường ao, giúp giảm thiểu chi phí và rủi ro cho người nuôi.

Đặc điểm của mô hình nuôi quảng canh

Mô hình nuôi tôm quảng canh có đặc điểm nổi bật là không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp cho cả những hộ nuôi tôm quy mô nhỏ. Ao thường được thiết kế đơn giản có hình chữ nhật hoặc hình vuông để dễ quản lý và duy trì, không cần hệ thống cấp thoát nước phức tạp.

Mô hình này tận dụng tối đa hệ sinh thái tự nhiên trong ao, giúp cân bằng sinh học và giảm nguy cơ dịch bệnh. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm quảng canh thường kết hợp nuôi ghép với các loài thủy sản khác như cá rô phi, cá đối, cua biển để tăng hiệu quả kinh tế. Sự kết hợp này không chỉ giúp tối ưu hóa diện tích ao nuôi mà còn làm giảm thiểu sự cạnh tranh thức ăn và giúp duy trì chất lượng nước tốt hơn.

Lợi ích của mô hình nuôi tôm quảng canh

Giảm chi phí: Do tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giúp người nuôi giảm đáng kể chi phí đầu tư thức ăn, quản lý và chăm sóc ao nuôi.

Bền vững và ít ô nhiễm: Nuôi tôm quảng canh chủ yếu dựa vào hệ sinh thái tự nhiên, không sử dụng nhiều hóa chất hoặc kháng sinh, làm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường ao nuôi và khu vực xung quanh.

Ít rủi ro dịch bệnh: Mô hình nuôi có mật độ thả tôm thấp hơn so với nuôi thâm canh, do đó rủi ro dịch bệnh cũng giảm đi đáng kể. Hơn nữa, kết hợp nuôi ghép với các loài khác giúp tăng tính đa dạng sinh học, hạn chế sự phát triển của các mầm bệnh trong ao nuôi.

Phù hợp với nhiều hộ nuôi tôm tại các vùng ven biển dể áp dụng, đặc biệt là những nơi có điều kiện kinh tế và tài nguyên hạn chế. Điều này giúp người dân dễ dàng triển khai và thu lợi nhuận mà không cần đầu tư lớn vào hệ thống nuôi hiện đại.

Kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh

Chuẩn bị ao nuôi

Chọn vị trí ao

Ao nuôi tôm sú quảng canh cần được xây dựng tại các khu vực ven biển hoặc đầm phá có nguồn nước sạch, ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm công nghiệp. Khu vực này nên có hệ sinh thái phong phú, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho tôm, pH nước thích hợp nhất từ 7.5-8.5, độ mặn từ 15-20‰, độ kiềm CaCO3 từ 80mg/L trở lên.

Thiết kế ao

Ao nuôi có độ sâu từ 0.8-1.5m, diện tích rộng từ 1-5 ha nhằm tối ưu hóa khả năng tận dụng thức ăn tự nhiên trong môi trường ao. Độ sâu này giúp kiểm soát nhiệt độ nước và tạo điều kiện sinh sống thuận lợi cho tôm sú. Thiết kế cống cấp và thoát nước riêng, kích thước cống phụ thuộc vào kích thước ao nuôi đảm bảo lúc cấp nước vào ao và tháo nước ra khỏi ao trong 4-6 giờ. Vị trí cống thoát đặt ở nơi thấp nhất trong ao để tháo nước dể dàng khi thu hoạch và cải tạo.

Cải tạo ao nuôi

Trước khi bắt đầu nuôi, cần tiến hành nạo vét lớp bùn đáy ao và dọn sạch cỏ dại, bón vôi cày lật và phơi đáy 10 – 15 ngày nhằm phân hủy hết chất hữu cơ, khí độc và mầm bệnh tiềm ẩn. Đối với ao nhiễm phèn thì lúc cải tạo không phơi nắng để tránh xì phèn, cần tích cực rửa đáy và bón vôi liều cao để ổn định pH với liều 500-1000kg/ha tùy vào độ pH đất của đáy ao. Sau cùng là cấp nước vào ao qua túi lọc 1.2-1.5m để gây màu và chuẩn bị thả giống.

Diệt tạp

Sau 2-3 ngày cấp nước, các ấu trùng và trứng đã nở ra hết thì tiến hành diệt tạp bằng Saponin với liều 10-15g/m3 hòa vào nước tạt xuống ao và bờ ao. Ngoài ra dùng thêm Nano Copper liều 1L/1000m3 để diệt sạch khuẩn và các vi sinh vật gây hại.

Gây màu nước

Đối với ao nuôi quảng canh cần được bón phân để gây màu nước. Các loại phân thường dùng với liều gồm: URE (45:0:0): 2kg/1000m3 và NPK (20:20:0): 2kg/1000m3. Phân bón được hòa vào nước ngọt và tạt xuống ao vào buổi sáng từ 9-10 giờ để kích thích tảo phát triển. Đồng thời tạt kết hợp thêm Nano Silic liều 1L/1000m3 để tạo tảo khuê cho ao nhanh hơn. Lượng phân bón và Nano Silic sẽ được chia ra bón trong vài ngày, liều lượng sẽ bằng 50% của ngày hôm trước.

Tôm sú giống
Tôm sú giống. Ảnh: binhminhbba

Chọn và thả giống tôm sú

Sự thành bại của vụ nuôi tôm phụ thuộc rất nhiều vào con giống. Tôm giống tốt khi nuôi cho tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh tôm.

Tiêu chuẩn chọn giống

Chọn giống ở các trại uy tín, khi chọn tôm sú giống cần quan sát: tôm khỏe mạnh, đều cỡ từ PL 15 trở lên, râu và phụ bộ đầy đủ không có chất bẩn bám, tôm có màu hơi sám hoặc nâu đen. Tôm giống hoạt động linh hoạt và bơi ngược dòng với nước bị khuấy động và phản ứng nhanh khi có sự kích thích từ bên ngoài.

Phương pháp thả giống

Trước khi thả, cần ngâm bao tôm sú giống trong ao 10 – 15 phút để cân bằng nhiệt độ với môi trường nước nuôi, sau đó mở túi giống cho nước ao hòa lẫn vào bao để tôm bơi ra từ từ tránh tình trạng sốc nhiệt và thay đổi đột ngột về pH.

Thời điểm thả giống

Khi thả giống nên thả vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối để tránh nhiệt độ cao. Không thả tôm vào lúc trời mưa hoặc gió mùa Đông Bắc. Thời điểm tốt nhất trong năm để thả giống là vào mùa xuân hoặc đầu mùa mưa, khi nhiệt độ nước ổn định khoảng 26-30°C vì thời gian này, nguồn thức ăn tự nhiên trong ao phong phú, giúp tôm dễ dàng thích nghi và phát triển tốt hơn.

Chăm sóc và quản lý ao nuôi

Quản lý thức ăn

Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên: Trong mô hình nuôi tôm sú quảng canh, thức ăn chủ yếu đến từ sinh vật phù du, rong tảo và các sinh vật nhỏ khác có sẵn trong ao. Các sinh vật này không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, giảm chi phí đầu tư thức ăn.

Bổ sung thức ăn chế biến và đạm Nan Protein: Khi nguồn thức ăn tự nhiên không đủ đáp ứng, cần bổ sung thức ăn chế biến hoặc thức ăn viên công nghiệp trộn kết hợp Nan Protein với lượng phù hợp như sau: 10ml Nan Protein/kg thức ăn đem ủ kín trong 12-18 giờ. Việc kết hợp đạm Nan Protein sẽ giúp tôm tiêu hóa tốt, không gây ô nhiễm hay tích tụ chất hữu cơ làm xấu nước và hiện tượng phú dưỡng trong ao.

Quản lý chất lượng nước

Theo dõi các thông số nước thường xuyên

Để duy trì môi trường sống lý tưởng cho tôm, cần theo dõi các chỉ số pH (7.5-8.5), nhiệt độ (26-30°C), độ mặn (15-25 ppt), và oxy hòa tan (>4 mg/L). Các thông số này cần được kiểm tra hàng ngày, đặc biệt trong các giai đoạn thời tiết thay đổi hoặc sau mưa lớn.

– Khi pH < 7.5 nên sử dụng vôi bột CaCO3 liều 5-7kg/1000m3 hòa vào nước tạt đều khắp ao.

– Khi pH > 8.5 thường kèm theo tảo phát triển mạnh nên sử dụng Nano Đồng để cắt tảo.

Thay nước định kỳ

Thay nước ao nuôi là biện pháp quan trọng giúp loại bỏ các chất thải, chất độc và giữ cho môi trường nước luôn sạch sẽ. Nên thay khoảng 10-20% lượng nước mỗi tuần, tùy thuộc vào tình trạng nước trong ao. Việc thay nước định kỳ giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và mầm bệnh, đồng thời cung cấp nguồn nước mới giàu oxy.

Kiểm soát sinh vật trong ao

Mô hình nuôi tôm sú quảng canh thường kết hợp nuôi ghép với cá hoặc cua. Điều này giúp tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên và tạo nên một hệ sinh thái cân bằng, giúp kiểm soát lượng tảo và chất hữu cơ.

Tuy nhiên, cần quản lý số lượng sinh vật nuôi ghép này và các sinh vật ngoại lai như cá tạp, ốc hại cho phù hợp để tránh cạnh tranh thức ăn, tăng nguy cơ nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm sú.

Kiểm tra và duy trì môi trường sống

Để duy trì và cân bằng hệ sinh thái ổn định trong ao nuôi bà con có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên như thả các loại rong biển để hấp thụ chất dinh dưỡng dư thừa, giữ nước luôn trong sạch hạn chế sự phát triển của tảo độc.

Bổ sung vi sinh và chế phẩm sinh học: Sử dụng vi sinh Nan Bacillus giúp phân hủy chất hữu cơ, kiểm soát lượng khí độc như amoniac (NH3) và nitrite (NO2-), cân bằng hệ vi sinh có lợi trong ao.

Giữ môi trường nước ổn định, tránh biến động về nhiệt độ và độ mặn và thả nuôi ở mật độ nuôi hợp lý từ 5 – 10 con/m2.

Các bệnh phổ biến thường gặp trên tôm sú và cách phòng ngừa

Bệnh đốm trắng trên tôm sú
Bệnh đốm trắng trên tôm sú.

Bệnh do virus

Bệnh do virus thường gặp trên tôm sú trong nuôi quảng canh là bệnh đỏ thân đốm trắng (WSSV), thường xảy ra ở giai đoạn từ 40-50 ngày tuổi. Bệnh có thể lây nhiễm từ tôm bố mẹ hoặc từ kí chủ trung gian như các loại cá tạp, ốc và cua biển.

Triệu chứng

Tôm thường bỏ ăn, bơi yếu lờ đờ trên thân tôm có xuất hiện những đốm trắng to nhỏ nằm dưới lớp vỏ kitin ở phần đầu ngực và các đốt bụng. Tôm bệnh biến đổi từ màu hồng sang đỏ nâu, gây chết rải rác đến hàng loạt từ 5-7 ngày. Trước khi tôm bệnh 2-3 ngày tôm thường ăn mạnh một cách bất thường.

Phòng ngừa

Đối với tôm giống cần chọn nguồn sạch bệnh ở các trại uy tín.

Giai đoạn cải tạo ao cần nạo vét sạch các chất hữu cơ ra khỏi ao nuôi.

Diệt khuẩn định kì bằng Nano Copper Pro liều 1L/1000m3 nước.

Hạn chế cua còng, ốc tạp vào ao nuôi, khi tôm chết phải vớt tôm ra khỏi ao, dùng men vi sinh và thay nước định kì để giảm bớt chất hữu cơ có trong ao nuôi.

Bệnh do khuẩn

Trong nuôi tôm vi khuẩn là tác nhân luôn hiện diện trong ao nuôi, có thể gây nên nhiều bệnh khác nhau trong các giai đoạn phát triển của tôm như một số bệnh thường gặp sau:

Bệnh cụt đuôi, đứt râu, phụ bộ dứt gãy.

Bệnh phát sáng.

Bệnh đốm đen ở mang và phụ bộ.

Bệnh hoại tử gan tụy.

Dấu hiệu nhận biết cho các bệnh này là tôm thường chết ở đáy tùy vào mức độ nặng nhẹ của từng bệnh. Tôm bơi không định hướng, thân có màu sẫm, giảm ăn và đường ruột không có thức ăn.

Bệnh do vi khuẩn thường xảy ra khi môi trường có sự thay đổi về pH, nhiệt độ, độ năm và sự gia tăng từ chất hữu cơ dẫn vi khuẩn lây lan và tang mạnh trong ao nuôi. Do đó, đề phòng ngừa các bệnh về khuẩn, người nuôi cần kiểm soát môi trường nước nuôi tốt, bổ sung Vitamin C tăng sức đề kháng cho tôm nuôi, thường xuyên diệt khuẩn định kỳ và bổ sung chế phẩm sinh học.

Tôm sú bị bệnh đóng rong
Tôm sú bị bệnh đóng rong. Ảnh: Linh Dương

Bệnh do nguyên sinh động vật

Bệnh đóng rong thường xảy ra ở tôm yếu cùng với sự phát triển của sinh vật và các chất bẩn trong ao bám vào bề mặt tôm gây nên. Để hạn chế bệnh người nuôi cần hạn chế sử dụng các nguồn thức ăn gây ô nhiễm. Định kỳ sử dụng vôi sống (CaCO3) hoặc Nano đồng để duy trì môi trường nước sạch. Đồng thời, đảm bảo hàm lượng oxy cao bằng cách sử dụng viên sủi oxy và thay nước một phần đề kích thích tôm lột xác.

Kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh là một phần trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản, đặc biệt ở các vùng ven biển. Đây là mô hình nuôi tôm tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.

Để duy trì sức khỏe tôm nuôi và phòng ngừa dịch bệnh, việc quản lý chất lượng nước, kiểm soát mật độ tôm trong ao và sử dụng nguồn thức ăn hợp lý là những yếu tố then chốt. Định hướng phát triển bền vững mô hình này cần tập trung vào việc sử dụng chế phẩm sinh học và vi sinh để cải thiện hiệu quả nuôi trồng, hạn chế rủi ro dịch bệnh, đồng thời giúp bảo vệ môi trường tự nhiên.

Minh Minh (Nano Vietnam Technology)

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật