Để khôi phục sản xuất cá nước lạnh trên địa bàn, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã được cấp thuốc phun khử trùng, khử khuẩn môi trường, ao nuôi của hộ dân.
Tại xã Dền Sáng của huyện Bát Xát, một số ao nuôi, cơ sở sản xuất của bà con đã bị bùn đất lấp đầy, tường bao, bờ kè bị vỡ, cá trong ao không còn một con.
Ông Lưu Văn Quang, thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng mất hơn 20 tấn cá tầm thương phẩm từ 1,8-3kg tự nhủ “còn người là còn của”. Ông hiện đang cho dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ ao nuôi, sửa sang lại cơ sở sản xuất để chuẩn bị tái thả đàn cá mới.
“Trong ngành cá nước lạnh có nhiều hộ nuôi khó khăn lắm, thiệt hại cụt cả vốn chưa thể khôi phục. Còn tôi chưa đến mức độ đấy vì may mắn còn nguồn giống nên đỡ được bao nhiêu chi phí. Tuy nhiên, vẫn mong muốn được tạo điều kiện giảm lãi suất cho khoản vay vốn của ngân hàng, để vượt qua giai đoạn này”, ông Lưu Văn Quang chia sẻ.
Trong khi đó, trang trại nhà ông Trần Quốc Khánh ở cùng thôn, thiệt hại tới 36 tấn cá thịt do mưa lũ. Hiện, ông đã thuê máy móc, nhân công dọn sạch sẽ mặt ao, đẩy bùn đất ra ngoài, vệ sinh tiêu độc ao nuôi. Kè phải xây lại và những bể cá vỡ phải sửa chữa… ngốn chi phí khoảng 1 tỷ đồng.
“Khó khăn nhất là nguồn vốn, còn giống, nhân công và ca máy có thể mượn để khắc phục được. Sau khi dọn sạch ao, tôi sử dụng vôi bột khử trùng vì cá chết vì do sạt lở, nước lũ đẩy đất cát vào ao chứ không phải do bệnh dịch. Còn nguồn nước qua kiểm tra vẫn ổn định”, ông Trần Quốc Khánh nói.
Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng, để khôi phục sản xuất cá nước lạnh trên địa bàn, xã đã được cấp thuốc phun khử trùng, khử khuẩn môi trường, ao nuôi của hộ dân. Tuy nhiên, đối với những hộ nuôi chưa tích lũy được vốn liếng, mới nuôi vụ đầu đã bị thiệt hại hiện chưa thể khôi phục sản xuất lại.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai, hiện các cơ sở sản xuất đã phối hợp chính quyền địa phương rà soát, gia cố hệ thống cấp nước, bể nuôi để khôi phục sản xuất. Một số bể hư hỏng nặng, bùn đất vào nhiều phải nạo vét toàn bộ và tiêu độc khử trùng để không ảnh hưởng môi trường.
Với những bể bị nước tràn qua sẽ tháo bỏ nước và vệ sinh lại. Sau đó, có thể thả giống sớm để khôi phục sản xuất, đảm bảo tăng trưởng. Bởi theo đặc tính sinh học, cá nước lạnh sản xuất quanh năm, không theo thời vụ.
Về dịch bệnh, theo ông Nguyễn Duy Triệu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN-PTNT Lào Cai định kỳ quan trắc môi trường, đồng thời kết hợp giám sát dịch bệnh để khuyến cáo người nuôi có biện pháp giúp cá sinh trưởng.
Khi tái thả thời điểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai lưu ý 4 vấn đề: Môi trường nước có thể có thay đổi lớn do lượng mưa nhiều, làm thay đổi độ pH, độ đục.
Khi giao mùa, mùa đông, con cá thường mắc bệnh nấm, ký sinh trùng, nhiễm khuẩn. Trong đó, bệnh nấm mang, nấm hạt khi diễn biến nặng nấm có thể ăn vào ruột cá, tỷ lệ chết cao, rải rác. Vì vậy, cần định kỳ sát khuẩn tiêu diệt mầm bệnh.
Về bệnh ký sinh trùng, liên quan đến mang và nội tạng, có thể cho cá ăn một số thực phẩm và sử dụng thuốc sát trùng theo hướng dẫn sử dụng.
Về bệnh nhiễm khuẩn, chủ yếu cá bị sốt huyết đường ruột và sốt huyết gan, thận, người nuôi không tự dùng bừa bãi các loại kháng sinh. Tuyệt đối, không sử dụng kháng sinh cho người để chữa bệnh cho động vật thủy sản.
“Bà con nên gửi mẫu về Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai hoặc cơ quan chuyên môn để làm kháng sinh đồ để đưa ra loại thuốc tốt nhất chữa trị cho cá. Qua xét nghiệm rất nhiều loại kháng sinh bị nhờn thuốc nên bắt buộc phải làm kháng sinh đồ để có biện pháp điều trị hiệu quả, ông Nguyễn Duy Triệu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y lưu ý.
Về cá nước lạnh nhiễm bệnh virus, trong thời điểm giao mùa, cá hồi giống hay nhiễm virus cơ quan tạo máu HNV, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai đã có hướng dẫn, chỉ đạo các hộ nuôi phải mua giống ở các cơ sở uy tín, cá vận chuyển từ ngoài tỉnh vào phải được kiểm dịch theo quy định, trước khi thả giống phải tắm cho cá để giảm thiểu bệnh do virus gây ra.
Hải Đăng (Nông Nghiệp Việt Nam)