Tốt nghiệp chuyên ngành cơ điện, đi làm với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, nhưng anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc ở xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) quyết tâm bỏ phố về quê lập nghiệp. Sau gần 8 năm khởi nghiệp, trải qua không ít khó khăn, anh đã thành công với mô hình nuôi cá chạch lấu và lăng nha.
Từ mô hình nuôi cá đặc sản là cá chạch lấu và cá lăng nha, gia đình Nguyễn Hoàng Anh Quốc ở xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) anh thu lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/năm.
Năm 2006, anh Quốc tốt nghiệp chuyên ngành cơ điện và đi làm cho nhiều công ty, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Đến năm 2017, anh quyết định bỏ phố về quê đào ao nuôi cá. Chỉ với số vốn hơn 150 triệu đồng, nhưng với niềm đam mê nuôi cá, anh đã vay thêm vốn từ ngân hàng để hiện thực hóa ước mơ.
Anh đầu tư đào 3 ao cá với tổng diện tích 3.000m2, mua 20.000 con cá chạch lấu giống và 5.000 con cá lăng nha giống về nuôi.
Anh Quốc chia sẻ: Tôi đam mê mô hình nuôi cá từ khi còn nhỏ, vì chưa có điều kiện nên chưa làm được. Hơn 10 năm đi làm ở ngoài, tôi cảm thấy thời gian trôi qua lãng phí, nên quyết định về quê tìm cách xoay xở đầu tư nuôi cá. Tôi rất vui khi sống và làm việc theo sở thích, niềm đam mê của bản thân.
“Vạn sự khởi đầu nan”, vì chưa có kinh nghiệm nên lứa cá đầu tiên anh chỉ thu về gần 400kg, bù lại thời điểm đó giá cá chạch lấu và cá lăng nha cao nên anh không bị lỗ nặng.
Rút kinh nghiệm từ thất bại ban đầu, anh đầu tư bạt lót ao, mua 20.000 con cá chạch và 5.000 con cá lăng giống. Sau gần 1 năm chăm sóc, anh thu về hơn 9 tấn cá chạch lấu, cá lăng nha, sau khi trừ các khoản chi phí thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Nhờ đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi, với ao cá lăng nha, năm thứ 3 trở đi anh Quốc giảm mật độ từ 5.000 con xuống còn 3.000 con, nhưng sản lượng cá vẫn đạt 3 tấn/lứa với giá bán từ 140.000-150.000 đồng/kg.
Theo anh Quốc, giống cá lăng nha có tính cạnh tranh cao, nếu mật độ nuôi quá dày cá sẽ sinh trưởng kém dẫn đến trọng lượng không đạt theo yêu cầu và giá bán thấp hơn nhiều.
Đối với 2.000m2 ao cá chạch lấu, anh duy trì nuôi với số lượng khoảng 20.000 con cá giống, thu về khoảng 6 tấn với giá bán cá chạch lấu là 250.000 đồng/kg (trọng lượng 400g/con trở lên) và 150.000 đồng/kg (loại dưới 400g/con). Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, tỷ lệ cá chạch lấu có trọng lượng trên 400g đạt hơn 70%.
Anh Quốc cho biết: Thời gian chăm sóc và chi phí đầu tư nuôi 2 loại cá này gần giống các loại cá khác nhưng lợi nhuận mang lại rất cao. Lý do cùng một lúc nuôi 2 loại cá là để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện cá chạch lấu, cá lăng nha tôi nuôi không đủ bán.
Để giảm chi phí đầu tư và đảm bảo sự sinh trưởng của cá, 5 năm qua anh Quốc mua giống cá chạch lấu sau khi nở được 6-7 ngày (cá bột) về chăm sóc.
Vì vậy, ngoài chủ động được nguồn cá giống tốt với giá rẻ, anh còn bán ngược lại ra thị trường ở khu vực Đông Nam Bộ với hàng trăm ngàn con cá chạch lấu giống/năm với giá 5.000-6.000 đồng/con.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp Nguyễn Văn Hà: “Sau một thời gian tìm hiểu, nắm bắt, chúng tôi đánh giá rất cao mô hình nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hội viên nắm bắt và tiếp cận, học hỏi mô hình nuôi cá của hộ anh Quốc. Từ đó nhân rộng mô hình cho những hội viên có nhu cầu và đủ điều kiện”.
Với niềm đam mê, anh Quốc thường xuyên tìm hiểu và nhập về nuôi các giống cá mới mà thị trường đang có nhu cầu cao.
Năm 2023, anh đầu tư 200 triệu đồng mua 60.000 con cá heo nước ngọt giống thả nuôi chung với ao cá chạch lấu; sau 10 tháng thu về gần 1,3 tấn với giá bán khoảng 500.000 đồng/kg.
Đầu năm 2024, anh tiếp tục đầu tư nuôi cá heo nước ngọt với số lượng tương tự và sẽ thu hoạch vào cuối tháng 12 này.
Theo anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc, cá heo nước ngọt là giống cá đặc sản, “hot” đối với quán ăn, nhà hàng ở các thành phố lớn trong nước, cá anh nuôi hiện không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Từ mô hình nuôi cá đặc sản đã mang lại nguồn thu cho gia đình anh hàng tỷ đồng với lợi nhuận 450-500 triệu đồng/năm.
Hiện anh Quốc đang triển khai mở rộng, đưa cá lăng nha nuôi nhốt lồng dưới hồ nước nhằm giúp cá phát triển tốt hơn, đồng thời tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu nuôi thử nghiệm thêm một số giống cá mới có giá trị kinh tế cao.
Văn Đoàn (Báo Bình Phước)