Nhờ nuôi cá chạch lấu trong bể nổi lót bạt mà người nông dân hạn chế được nhiều nhược điểm so với nuôi trong ao đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm gần đây, mô hình nuôi cá chạch lấu trong bể nổi của anh Nguyễn Phúc Mến (sinh năm 1987) tại xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh trở thành mô hình thủy sản điểm, được nhiều hội nông dân tại Đông Nam bộ đến học hỏi.
Mô hình này được anh Mến đầu tư, xây dựng từ năm 2019. Trước đó, anh Mến đã xuống khu vực ĐBSCL học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi lót bạt khoảng 6 tháng.
Với vốn, kiến thức và kinh nghiệm học hỏi được, anh Mến đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 6 bể nổi với diện tích 176 m2/ao, rồi thả 28.000 con cá giống được mua từ miền Tây ngay trong vụ nuôi đầu tiên.
“Cá chạch lấu thương phẩm bán ra dao động khoảng 200.00 – 260.000/kg. Với giá bán này thì cá chạch lấu cho lợi nhuận cao hơn các loại cá lóc, cá trê, cá rô… Sau khi trừ hết các chi phí, chúng tôi cũng lời được khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg”, anh Mến chia sẻ.
Đến nay, anh Mến đang duy trì 12 ao nuôi nổi có lót bạt với chiều cao 1,2m, sản lượng khoảng 1,5 tấn/vụ. Mỗi năm, anh Mến có lợi nhuận ít nhất 700 triệu đồng.
Khi nuôi cá chạch lấu, điều quan trọng nhất là nguồn nước và oxy. Để giải quyết vấn đề này, trang trại cũng được anh Mến vận hành với quy mô bán công nghiệp, có hệ thống xử lý nước trước và sau khi nuôi.
“Nguồn oxy được tôi cung cấp đầy đủ bằng một loại máy tạo oxy khắp các ao nuôi để cá phát triển đúng mức, không phát sinh dịch bệnh. Mình phải xử lý nguồn nước trước khi thả giống 2 ngày. Thời gian nuôi đạt trọng lượng và chất lượng là từ khoảng 10 – 12 tháng thì có thể xuất bán”, anh Mến cho biết thêm.
Mô hình nuôi cá chạch lấu được Sở NN-PTNT Tây Ninh nhân rộng, không chỉ giúp bà con nông dân có hướng đi bền vững mà góp phần nâng cao giá trị thủy sản của tỉnh.
Nhiều hộ dân tại TP Tây Ninh cũng đang chủ động muốn học hỏi và nhân rộng mô hình này. Ngoài việc dễ nuôi, vốn đầu tư thấp, dư địa về thị trường tiêu thụ cá chạch lấu tại Tây Ninh và các tỉnh thành xung quanh vẫn còn rất lớn.
Không chỉ nhiều đoàn nông dân đến mô hình của anh Mến để trải nghiệm, mà nhiều địa phương khác trong khu vực Đông Nam bộ cũng đến đây để tham quan, học hỏi. Mới đây, đoàn Hội Nông dân TP.HCM cũng đến mô hình này để được trao đổi về kinh nghiệm xử lý nước nuôi, cách chăm sóc và phòng bệnh ở cá chạch lấu.
Bà Hồ Ngọc Trâm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, cá chạch lấu được ví như “nhân sâm nước” bởi giàu chất dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nuôi cá này không bị hạn chế về thời vụ bởi cá nuôi càng to thì giá bán càng cao, lại ít biến động về thị trường. Cá được nuôi trong bể tuần hoàn cũng ít dịch bệnh hơn, dễ kiểm soát hơn.
“Nuôi thủy sản với giá trị kinh tế cao đang là hướng phát triển của ngành nông nghiệp Tây Ninh. Sắp tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ mở rộng, chuyển giao mô hình này cho nhiều hộ nông dân khác để góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho các địa phương”, bà Trâm cho biết.
Đặc biệt, Tây Ninh có thuận lợi với nguồn nước dồi dào, hệ thống thủy lợi dày đặc nên thuận tiện cho việc nuôi cá chạch lấu. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, không nhất thiết phải nuôi cá chạch lấu bằng ao nổi trải bạt nếu như người dân chưa có đủ khả năng kinh tế. Cá chạch lấu có sức đề kháng cao, ít bệnh nên rất dễ nuôi.
Tuy nhiên, cần phải “nuôi nước trước, nuôi cá sau”, trước khi lấy nước vào ao thì cần phải xử lý trước, đảm bảo an toàn, không có chất độc hại. Ngoài ra, cần có máy sục khí hoặc quạt nước để tăng cường oxy cho cá.
Lê Bình – Tuy Hòa (Nông Nghiệp Việt Nam)