Phát triển bền vững nghề nuôi nghêu tại Bến Tre

nghề nuôi nghê

Người dân sơ chế, loại bỏ vỏ nghêu lẫn tạp chất tại vùng ven biển huyện Bình Đại. Ảnh: HN.

Nghề nuôi và khai thác nghêu ở Bến Tre vừa được Hội đồng Quản lý biển Quốc tế (MSC) công nhận đạt chuẩn khai thác thủy sản bền vững, và đây là lần thứ 3 nghêu Bến Tre đạt chứng nhận này.

Chứng nhận MSC là chứng nhận do Hội đồng Quản lý Biển Quốc tế (Marine Stewardship Council – MSC) cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Chứng nhận MSC có giá trị như một “giấy thông hành,” đảm bảo phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Chứng nhận MSC lần thứ 3 cho nghêu Bến Tre có giá trị từ 23/5/2024 đến 22/5/2029. Trước đó, vào năm 2009, nghêu Bến Tre đạt chứng nhận MSC lần đầu và tiếp tục duy trì chứng nhận này vào năm 2016.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, nghề nuôi nghêu Bến Tre đã được cấp chứng nhận MSC là một lợi thế để tỉnh Bến Tre mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là tạo sự đồng thuận của cộng đồng trong vấn đề phát triển bền vững đối với nghề quản lý và khai thác nghề nghêu của tỉnh trong tương lai. Việc duy trì và được tái công nhận MSC đối với nghề nghêu Bến Tre là sự nỗ lực và đồng thuận rất lớn của cộng đồng người dân ba huyện ven biển của Bến Tre là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú trong việc khai thác và đồng quản lý nghề nghêu trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bến Tre với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có đường bờ biển dài 65km tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giống loài thủy sản lợ, mặn góp phần hình thành hệ sinh thái đa dạng, phong phú cho tỉnh; đặc biệt điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng này thích hợp cho loài nhuyễn thể nghêu sinh sôi nảy nở, phát triển nhanh, mang lại lợi ích kinh tế cao. Dòng triều ra vào ở các cửa sông (các cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên) đã tạo ra hàng chục ngàn bãi bồi tự nhiên, thuận tiện cho nghêu sinh sống và phát triển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tiềm năng về diện tích nghêu ở Bến Tre đạt 15.000ha; trong đó, diện tích có thể phát triển là 7.164ha. Diện nay, tỉnh có diện tích nghêu hơn 2.850ha; trong đó, nghêu thương phẩm là 2.248ha, diện tích nghêu giống hơn 580ha.

Diện tích nghêu trên được xác lập bởi bảy hợp tác xã khai thác nghêu, bao gồm: Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm, huyện Bình Đại; Hợp tác xã Thủy sản An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận, huyện Ba Tri; Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi, Bình Minh, huyện Thạnh Phú và các tập đoàn nghêu với gần 20.000 thành viên, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, góp phần tăng thu nhập ổn định cho người dân ven biển.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục định hướng cho cộng đồng sản xuất nghêu duy trì và phát triển chứng nhận MSC; đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý; bảo tồn nguồn lợi nghêu giống bố mẹ, khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên, trước hết là thực hiện tốt 3 nguyên tắc theo Bộ tiêu chí của tiêu chuẩn MSC, bao gồm: khai thác phải mang tính bền vững; khai thác đảm bảo không ảnh hưởng đến cấu trúc thể, thành phần loài trên bãi nghêu; hệ thống quản lý đảm bảo theo quy định của địa phương và quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre hình thành và thúc đẩy liên kết ngang và liên kết dọc để phát triển phát triển thương hiệu MSC đối với con nghêu Bến Tre trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu nhằm đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc và bộ tiêu chí của MSC. Mặt khác, địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tất cả các vùng nghêu tập trung đều được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá thường niên và đánh giá định kỳ đối với nghề quản lý, khai thác nghêu. Thực hiện nghiêm quy định về khai thác nghêu cám, bảo vệ, phát triển giống bố mẹ nhằm bảo tồn nguồn giống nghêu tự nhiên. Tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nghêu và nuôi thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các vùng nuôi thủy sản bên trong (điển hình là vùng nuôi tôm) để giảm thiểu tác động ảnh hưởng tiêu cực đến vùng nuôi và khai thác nghêu ven bờ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tất cả các vùng nuôi nghêu tập trung đều được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực các tổ hợp tác nghêu trên địa bàn tỉnh để đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất nhằm đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh tổ chức tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho xã viên về tầm quan trọng của tiêu chuẩn chứng nhận MSC. Tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường vùng nghêu, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để khuyến cáo cho các hợp tác xã.

Mỹ Duyên (Thiên Nhiên & Môi trường)

Bài viết liên quan

Cua đá đặc sản huyện Cồn Cỏ

Nuôi cua đá trên đảo Cồn Cỏ

Cua đá bị cấm đánh bắt nhưng thực khách lại rất ưa thích loại đặc sản này. Một số hộ dân đã đầu tư nuôi cua đá thương phẩm trên đảo Cồn Cỏ.

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật