Tiềm năng nuôi và chế biến thủy sản

Lợi thế, tiềm năng

An Giang nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, có hệ thống sông ngòi dày đặc, khí hậu ôn hòa, thích hợp cho nuôi thủy sản nước ngọt, nhất là cá da trơn như cá tra, cá basa, cá hú… Đây là lợi thế, tiềm năng ít nơi nào có được. Toàn tỉnh hiện có 14 doanh nghiệp với 18 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất trên 300.000 tấn/năm. Cùng với lực lượng lao động có tay nghề cao, năng động và luôn sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Những yếu tố trên tạo nên chuỗi giá trị tương đối hoàn chỉnh từ con giống, vùng nuôi đến chế biến, tiêu thụ.

Năm 2024, xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 160.000 tấn, tương đương 290 triệu USD. Diện tích thu hoạch thủy sản thương phẩm đạt 1.790ha, trong đó nuôi cá tra 1.400ha. Tổng sản lượng thủy sản thương phẩm trên 700.000 tấn, riêng cá tra chiếm khoảng 624.000 tấn, tăng 37.000 tấn so với cùng kỳ năm trước…

thủy sản

An Giang có lợi thế nước ngọt quanh năm, phục vụ tốt cho nuôi thủy sản

Theo kế hoạch phát triển liên kết ngành hàng cá tra đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, tỉnh đặt mục tiêu ổn định diện tích nuôi ở mức 1.500ha – 1.600ha, phấn đấu đến năm 2030 sản lượng cá tra thương phẩm đạt 500.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt trên 10.000 tỷ đồng, chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh. “Tiềm năng phát triển thủy sản của An Giang vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đang có nhu cầu cao về thực phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc. Do đó, cần nhìn vào thực tế này để phát huy hết tiềm năng nuôi và chế biến thủy sản trong tỉnh” – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hồ Thanh Bình nhận định.

Một trong những điểm sáng của ngành thủy sản tỉnh nhà là đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ cá tra tương đối bài bản. Toàn tỉnh có 9 chuỗi liên kết nuôi cá tra thương phẩm, với 99 cơ sở tham gia, tổng diện tích trên 1.070ha (chiếm gần 88% diện tích nuôi toàn tỉnh). Các doanh nghiệp lớn, như: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Tập đoàn Sao Mai, Công ty Cổ phần Nam Việt… đang giữ vai trò đầu tàu, hỗ trợ đầu vào, bao tiêu đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phát huy toàn diện

Song song đó, tỉnh cũng đang thực hiện Đề án liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, với định hướng trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng. Việc chủ động giống cá bố mẹ, kiểm soát chất lượng và xử lý tốt môi trường nước giúp tăng tỷ lệ sống, giảm chi phí và nâng sức cạnh tranh sản phẩm.

thủy sản

Ngoài tiềm năng tự nhiên, tỉnh có nguồn lao động trẻ dồi dào

Ngoài ra, tỉnh khuyến khích các cơ sở nuôi và chế biến đạt chứng nhận quốc tế, như: ASC, BAP, GlobalGAP, VietGAP. Đây là điều kiện bắt buộc để sản phẩm thủy sản của tỉnh chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. “Trong nuôi thủy sản hiện nay, nông dân được Nhà nước khuyến khích ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc để góp phần nâng cao tính minh bạch của chuỗi giá trị. Điều này góp phần quan trọng làm cho ngành nuôi và chế biến cá tra của ngư dân, doanh nghiệp phát triển bền vững” – ông La Văn Tuấn, ngư dân xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở cá tra, tỉnh còn định hướng phát triển các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá dứa, cá bông lau, cá rô phi, trạch lấu, cá chạch, cá chình… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng với biến động thị trường. Để phát huy toàn diện tiềm năng, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung đa dạng hóa kênh tiêu thụ nội địa, liên kết với hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, phát triển mạng lưới đại lý và thương nhân. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, tăng tính minh bạch, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch và tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế.

Ngành thủy sản của tỉnh đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Với sự chủ động của chính quyền, đồng hành của doanh nghiệp và người dân, ngành thủy sản sẽ tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa tỉnh phát triển bền vững và vươn xa trên bản đồ thủy sản Việt Nam và thế giới.

MINH HIỂN – Nguồn Báo mới

Bài viết liên quan

Nuôi loài cá đặc sản trên sông Yên, có bao nhiêu nhà hàng, khách sạn mua hết, ông nông dân Thanh Hóa lãi 300 triệu đồng

Với 60 lồng nuôi loài cá đặc sản – cá vược trên sông Yên, ông Nguyễn Văn Tỉnh ở phường Ngọc Sơn (tỉnh Thanh Hóa) mỗi năm thu 10 tấn cá, thu lãi 300 triệu đồng. So với các giống cá truyền thống như trắm, chép… cá vược được bán với giá cao hơn, hiện giá bán từ 130.000-170.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí người nuôi thu lãi lớn.

Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu

Xã Hoằng Châu mới được thành lập sau khi sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Lưu và Hoằng Châu. Xã có diện tích tự nhiên 33,21km2, trong đó có nhiều vùng lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật