Kiên quyết xử lý nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát ở vùng Đồng Tháp Mười

Khu nuôi tôm công nghệ cao
Hiện toàn vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An có trên 522ha đất nuôi tôm thẻ chân trắng, tăng hơn 77ha so với năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo các địa phương vùng Đồng Tháp Mười phải kiên quyết xử lý việc đào ao nuôi tôm trên đất lúa và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, Sở sẽ phối hợp với các huyện vùng Đồng Tháp Mười để xác định rõ từng hộ nuôi tôm, diện tích, nguồn gốc ao nuôi, năm nuôi… Đồng thời, tuyên truyền chuyên sâu các quy định về sử dụng đất, môi trường… cũng như tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Thời gian qua, UBND tỉnh Long An ban hành nhiều văn bản thể hiện sự kiên quyết, xử lý mạnh tay đối với các diện tích ao đào mới để nuôi tôm thẻ chân tắng tại vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, đến nay diện tích vẫn đang tiếp tục tăng.

Hiện toàn vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An gồm các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường có trên 522ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tăng hơn 77ha so với năm 2023. Trong đó, huyện Mộc Hóa có diện tích nuôi nhiều nhất với 280ha.

Theo Sở NN-PT NT Long An, năm 2023, 70% diện tích nuôi chỉ hòa vốn hoặc lỗ, còn lại 30% có lãi nhưng cũng chỉ ở mức thấp. Nguyên nhân do dịch bệnh phát sinh ngày càng nhiều, giá vật tư tăng cao, giá tôm thương phẩm giảm.

Trước tình hình trên, ngày 20/8, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở TN-MT đã kiểm tra tình hình chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Mộc Hóa.

Ông Nguyễn Minh Lâm (bên phải) trao đổi thực tế với hộ dân nuôi tôm vùng Đồng Tháp Mười.
Ông Nguyễn Minh Lâm (bên phải) trao đổi thực tế với hộ dân nuôi tôm vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Minh Đảm.

Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Minh Lâm yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở TN-MT phối hợp với UBND các huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười.

“Việc tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh các ngành, các địa phương có thực hiện nhưng chưa quyết liệt. Các đơn vị, hộ dân tùy tiện khoan giếng lấy nước có độ mặn cao để nuôi tôm nhưng không quản lý được. Cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ, khoan giếng lấy nước mặn và công tác bảo vệ môi trường. Đối với các trường hợp đào ao mới từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ không đúng quy định, phải kiên quyết xử lý và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu”, ông Lâm chỉ đạo.

Ông Lâm cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, không để phát triển thêm diện tích nuôi mới nhằm đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, hạn chế tác động xấu đến môi trường và sản xuất nông nghiệp.

Minh Đảm (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Bài viết liên quan

Nuôi thâm canh

Ngành tôm và nỗi lo chi phí cao

Nuôi thâm canh nhiều giai đoạn, năng suất cao và có nguồn vốn tín dụng là một trong những giải pháp giúp hạ nhiệt chi phí, giảm giá thành sản xuất tôm.

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật