Cá tra thương phẩm bị hao hụt tới 30 – 50% trong giai đoạn nuôi trồng

Cá da trơn thương phẩm
Số lượng cá da trơn bị hao hụt tới 30 – 50% trong giai đoạn nuôi thương phẩm. Ảnh: ACIAR.

Nhà khoa học Nguyễn Văn Kiền chia sẻ kết quả bước đầu của dự án nghiên cứu các giải pháp can thiệp giúp giảm tổn thất LTTP trong chuỗi cung ứng cá da trơn.

Dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mê Kông” do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế (IDRC) đồng tài trợ.

Dự án nhằm xác định tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm hiện tại và tương lai trong chuỗi cung ứng cá da trơn ở lưu vực sông Mê Kông tại Việt Nam, Lào và Campuchia, đồng thời phát triển các giải pháp can thiệp giúp giảm tổn thất.

Xây dựng năng lực cho các nhà nghiên cứu trong nước

Một trong các mục tiêu chính của dự án là tăng cường khả năng nghiên cứu về thất thoát thực phẩm cho các nhà nghiên cứu của 3 nước tham gia dự án. Họ đã được đào tạo về chuỗi giá trị, nghiên cứu xã hội, kỹ năng thu thập dữ liệu và tương tác với doanh nghiệp và các bên liên quan.

Các nhóm cũng được đào tạo về kỹ thuật dự đoán tầm nhìn xa (Foresighting) để phân tích rủi ro bằng cách hình dung những diễn biến có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng cá da trơn trong tương lai.

Nghiên cứu chuỗi giá trị

Sau đào tạo, dự án đã xây dựng và thử nghiệm các công cụ nghiên cứu chuỗi giá trị để phục vụ cho công tác thu thập dữ liệu dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 7 và tháng 8 năm 2024. Mục tiêu nghiên cứu chính của dự án là đánh giá các chuỗi giá trị chính trong ngành cá tra ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Do phụ nữ và nam giới đều đóng vai trò quan trọng trong các quy trình sản xuất cá da trơn trong chuỗi cung ứng, nhóm dự án cũng đã nghiên cứu tài liệu về giới để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu.

Trong tháng 5/2024, Trung tâm Tài nguyên và Thực phẩm Toàn cầu của Đại học Adelaide đã tổ chức hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu ở cả 3 nước để xác định các chuỗi giá trị cá da trơn chính, đánh giá tiến độ và thống nhất về phương pháp tiếp cận theo chuỗi giá trị cá tra, tập trung vào khu vực ĐBSCL của Việt Nam. Mỗi nước sau đó đã thống nhất các chuỗi giá trị cá da trơn chính để đưa vào hoạt động nghiên cứu.

Bước đầu, các nhóm nghiên cứu ở mỗi nước đã tiến hành các cuộc họp mặt và phỏng vấn những người cung cấp thông tin chính trong chuỗi cung ứng. Các thất thoát, hao hụt về nguyên vật liệu và giá trị (tiền) được ghi nhận dọc theo chuỗi, từ cá da trơn bố mẹ đến cá giống, nuôi tại trang trại, vận chuyển từ trang trại đến nhà máy, chế biến và tiêu thụ.

Cá da trơn thương phẩm
Các nhà nghiên cứu của Việt Nam thăm nhà máy chế biến cá da trơn Sao Mai ở tỉnh Đồng Tháp, tháng 2/2024. Ảnh: Trịnh Thị Lan, Trường Đại học An Giang.

Các nhà khoa học sau đó quy đổi giá trị các tổn thất này thành tiền, đồng thời cũng ghi nhận những hình thức thất thoát khác, cho thấy tổng thiệt hại đáng kể xảy ra trong toàn bộ ngành công nghiệp cá da trơn.

Đây mới là nghiên cứu sơ bộ ban đầu, cuộc khảo sát ở quy mô lớn hơn sẽ được thực hiện trong năm 2024 để tinh chỉnh các phân tích về chuỗi giá trị và hiểu rõ hơn về thất thoát, lãng phí lương thực, cũng như tổn thất trong các chuỗi cung ứng khác.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu sơ bộ ban đầu đã chỉ ra những tổn thất đáng kể trong chuỗi cung ứng, đặc biệt trong giai đoạn nuôi giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch, vận chuyển và chế biến. Các cuộc phỏng vấn với người nuôi cá giống, người nuôi thương phẩm, người vận chuyển và nhà máy ở tỉnh An Giang vào tháng 1/2024 đã cung cấp những thông tin như sau:

+ Giai đoạn cá giống (90 ngày): Tỷ lệ sống trước đây là 10-12%; hiện đã giảm còn 2-3%, tỷ lệ sống cao nhất hiện nay trung bình là 5%.

+ Giai đoạn nuôi thương phẩm (8 -10 tháng): Cá bị hao hụt lên tới 30% – 50% số đầu con. Thời gian thu hoạch cá bị kéo dài sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế do mất thêm tiền thức ăn bổ sung và cá quá khổ sẽ phải bán với giá thấp hơn. Những thất thoát khác bao gồm lãng phí nguồn trầm tích và nước trang trại – vốn có thể sử dụng để làm phân bón hữu cơ và artemia để nuôi cá tra giống, tuy nhiên chưa được sử dụng triệt để.

+ Thu hoạch tại ao nuôi: Tỷ lệ hao hụt đầu con 1-2%; giảm giá bán 86% đối với cá chết (giá bán cá chết 4.000 đ/kg, so với cá sống 28.000 đồng/kg).

+ Vận chuyển: Thất thoát 4-5% vận chuyển từ ao xuống ghe đục và 1-2% trên ghe lúc vận chuyển; giảm giá bán 86% đối với cá chết.

+ Chế biến: % tổn thất thay đổi tùy theo kích cỡ và chất lượng cá, hiệu suất kỹ thuật của công nhân phi lê và tổng lượng tồn kho. Lãng phí xảy ra khi các sản phẩm phụ như máu cá chưa được tận dụng hiệu quả. Da cá vốn trước đây bị bỏ phí, nay đã được sử dụng để làm ra các sản phẩm collagen có giá trị cao.

Chế biến cá tra xuất khẩu
Nhóm dự án ACAIAR đã nâng cao hiểu biết về các quy trình chế biến trong nhà máy và đánh giá các tổn thất vật chất. Ảnh: ACIAR.

Tầm quan trọng của hợp tác đa ngành và liên ngành trong nghiên cứu về thất thoát thực phẩm

Dự án đã gặp nhiều thách thức trong việc áp dụng các khái niệm mới về dự báo với tầm nhìn xa (Foresighting), lập bản đồ chuỗi giá trị và nghiên cứu giới trong chuỗi cung ứng cá da trơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu này đã tham gia đào tạo cho cán bộ dự án, nhờ vậy, năng lực nghiên cứu của các nhóm ở ba nước lưu vực sông Mê Kông đã được cải thiện đáng kể. Tất cả là nhờ tính chất liên ngành và toàn diện của đội ngũ tham gia dự án.

Bằng cách kết hợp các kỹ năng, nhóm dự án đã nâng cao hiểu biết chuyên môn về nuôi trồng thủy sản, các quy trình chế biến trong nhà máy và đánh giá các tổn thất vật chất. Các nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội đã mang tới kiến thức chuyên môn về phân tích thiệt hại kinh tế, huy động sự tham gia của các bên liên quan và cách hợp tác với các đối tác bên ngoài, bao gồm chính phủ và doanh nghiệp, để hiểu rõ hơn về các tổn thất lương thực và phi lương thực trong quá trình nghiên cứu. Mục đích của dự án là sử dụng các tri thức này để phát triển các biện pháp can thiệp mạnh mẽ nhằm giảm thiểu tổn thất và lãng phí lương thực và phi lương thực trong ngành nuôi cá da trơn ở lưu vực sông Mê Kông.

Dự án trân trọng sự đóng góp của các đối tác nghiên cứu, bao gồm Bộ NN-PTNT, Cục Thủy sản Việt Nam, Đại học Kinh tế TP. HCM, Đại học New England, Đại học Swinburne, Đại học Quốc gia Australia, Đại học An Giang – Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Nông nghiệp Hoàng gia Campuchia, Đại học Quốc gia Lào, Công ty TNHH Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Việt – Úc, Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần Sao Mai, và các nông dân và doanh nghiệp nuôi, chế biến, vận chuyển đã tham gia phỏng vấn.

TS. Nguyễn Văn Kiền (Nông Nghiệp Việt Nam)

Bài viết liên quan

Nuôi thâm canh

Ngành tôm và nỗi lo chi phí cao

Nuôi thâm canh nhiều giai đoạn, năng suất cao và có nguồn vốn tín dụng là một trong những giải pháp giúp hạ nhiệt chi phí, giảm giá thành sản xuất tôm.

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật