Kiếm tiền tỷ từ nuôi tôm, cua thuần tự nhiên

Rời bục giảng hơn 30 năm trước, ông Sự, 60 tuổi, ở TP Cà Mau, chuyển từ nuôi tôm công nghiệp sang mô hình quảng canh, tự nhiên, thu lãi hơn một tỷ đồng mỗi năm.

Khu nuôi tôm 7 ha của ông Huỳnh Thanh Sự (thường gọi là Chín Lam) ở xã Tân Thanh, được quy hoạch khoa học với ao lắng, ao giống và khu nuôi chính. Mỗi năm, ông thu hoạch gần một tấn tôm và lượng cua biển đáng kể, trở thành mô hình mẫu được nhiều hộ trong vùng đến học hỏi.

Ông Sự thu hoạch tôm dần khi đến lứa. Ảnh: An Minh

Ông Sự thu hoạch tôm dần khi đến lứa. Ảnh: An Minh

Từng là giáo viên tiểu học, ông Sự nghỉ dạy năm 1993 để chuyên tâm sản xuất. Khi đó, ông có hơn một ha đất trồng lúa do cha mẹ để lại. Hiệu quả canh tác thấp, ông quyết định chuyển sang nuôi tôm vào năm 2000 khi cả vùng bắt đầu chuyển đổi sản xuất.

Nhờ chịu khó học hỏi, ông nuôi tôm quảng canh thuận lợi, tích lũy được vốn rồi chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, giai đoạn 2020–2021, mô hình này bộc lộ nhiều rủi ro: giá vật tư tăng, dịch bệnh thường xuyên. Sức khỏe giảm sút, ông tìm hướng đi mới.

Trong một lần đi tham quan mô hình nuôi tôm quảng canh hai giai đoạn, ông Sự có ý định chuyển đổi cách làm. Bởi quy trình nuôi mới phù hợp hơn khi chi phí thấp, ít rủi ro, dễ chăm sóc, không cần cho ăn.

Ông tiến hành cải tạo lại toàn bộ khu nuôi, gồm một ao nuôi giống 2.000 m2, ao lắng 1.500 m2 và các ao nuôi tôm đại trà. Nước qua xử lý, lọc kỹ trước khi vào ao giống. Sau một tháng, tôm con phát triển khỏe sẽ được thả sang khu chính. Nhờ tách biệt giai đoạn, tỷ lệ sống cao, tránh bị cua ăn tôm như mô hình thả trực tiếp.

Ngoài tôm, ông kết hợp nuôi cua biển trong cùng ao, mật độ hợp lý để cua không làm hại tôm. Cua tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, không cần chăm sóc nhiều nhưng cho hiệu quả kinh tế tốt.

Mỗi vụ nuôi kéo dài khoảng 2–2,5 tháng. Với sản lượng 500 kg tôm sú mỗi ha, mỗi năm hai vụ, cộng thêm thu nhập từ cua, ông Sự thu lãi hơn 1,2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Đặc biệt, tôm nuôi theo phương pháp tự nhiên có màu sắc đẹp, thịt chắc, dễ bán với giá cao. Thương lái thường mua vận chuyển đi các tỉnh, không phải qua trung gian hay chờ gom hàng.

Để đạt hiệu quả, ông kiểm soát kỹ môi trường nước, đảm bảo mực nước luôn ổn định, nhất là trong mùa nắng nóng. Hệ thống bờ bao được gia cố chắc chắn, ngăn rò rỉ. Thức ăn cho tôm là sinh vật tự nhiên, hạn chế sử dụng chế phẩm, giúp tiết kiệm chi phí và an toàn cho sản phẩm.

Dù từng nhiều lần đối mặt khó khăn khi mô hình từng thất bại, vợ bệnh, con ăn học tốn kém, song ông không bỏ cuộc. Quá trình chuyển đổi mô hình được ông đánh giá là bước ngoặt: ít rủi ro hơn, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả ổn định.

Nuôi cua kết hợp tôm mang lại lợi nhuận cao trong mô hình. Ảnh: An Minh

Nuôi cua kết hợp tôm mang lại lợi nhuận cao trong mô hình. Ảnh: An Minh

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú xã Tân Thành, thường chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nuôi khác. Ông cũng nhiều lần được tặng bằng khen từ chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp.

Theo ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, toàn xã có gần 400 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn, nhưng mô hình của ông Sự là điển hình về hiệu quả và tính bền vững. Nhiều đoàn nông dân, cán bộ kỹ thuật đến tham quan và học hỏi từ cách làm của ông.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất, ông Sự còn cùng địa phương tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn quy trình nuôi, xử lý môi trường, chọn giống tốt… giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Thành công của ông Sự cho thấy hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thuần tự nhiên nếu được áp dụng đúng kỹ thuật. Quan trọng nhất là người nuôi cần hiểu môi trường, kiểm soát rủi ro và chọn hướng đi phù hợp điều kiện thực tế.

“Không cần công nghệ cao hay vốn lớn, nông dân vẫn có thể làm giàu nếu chọn đúng mô hình và kiên trì với nó”, ông Trạng đúc kết.

An Minh – Báo VNExpress

Bài viết liên quan

Làm chủ công nghệ nuôi cá chim vây vàng trên biển

Sau thời gian tiếp nhận quy trình và ươm nuôi cá chim vây vàng, đến nay, Dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng tại Phú Yên do Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng (TP Tuy Hòa) chủ trì thực hiện, đã làm chủ được công nghệ giống và công nghệ nuôi cá chim vây vàng, một loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng nuôi công nghiệp bằng lồng HDPE trên các vùng biển của tỉnh.

Thuỷ sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn

Cà Mau – Với vị trí địa lý đặc thù là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau sở hữu bờ biển dài, nhiều cửa sông lớn thông ra biển, mở ra tiềm năng to lớn cho nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Ðặc biệt, sau hợp nhất giữa 2 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu sẽ tạo không gian phát triển kinh tế thuỷ sản rộng lớn.

Nhân đôi thế mạnh

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế của Bạc Liêu có sự tương đồng với Cà Mau về tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì thế, việc hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mở ra nhiều kỳ vọng phát triển bứt phá cho vùng đất cuối trời Tổ quốc, khi nguồn lực được tập trung, khai thác và phát huy.

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật