Bài 4: Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt và một số bệnh thường gặp

Nuôi cá nước ngọt
Các loài cá nước ngọt vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao được nuôi trồng phổ biến.

Nuôi cá nước ngọt là một hình thức nuôi trồng phổ biến tại các vùng đồng bằng ở nước ta. Tận dụng nguồn nước từ ao, hồ, sông, đầm tự nhiên mà cá nước ngọt được nuôi theo nhiều hình thức khác nhau như nuôi ghép, nuôi bán thâm canh hoặc thâm canh.

Với nhu cầu thị trường ngày càng cao, phương pháp nuôi cũng trở nên đa dạng và hiện đại, không chỉ tạo ra nguồn cung thực phẩm dồi dào mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện đời cho người nuôi và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Các loài cá nước ngọt phổ biến

Các loài cá nước ngọt vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao được nuôi trồng phổ biến phải kể đến như sau:

Cá trắm

Với tốc độ sinh trưởng ấn tượng và khả năng thích nghi cao, cá trắm từ lâu đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người nuôi cá vùng Bắc Trung Bộ. Thịt cá trắm chắc, béo ngọt nên được thị trường ưa chuộng.

Cá rô phi

Có sức sống mãnh liệt và khả năng tận dụng nguồn thức ăn đa dạng từ thực vật và chất hữu cơ, có thể xử lý tốt bùn đáy ao. Loài cá này ít bệnh, dễ nuôi mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, thích nghi tốt với các biến đổi khí hậu và là đối tượng nuôi ghép với nhiều loài thủy sản khác như tôm, cua, cá trắm…

Cá chép

Dễ nuôi và chịu đựng tốt các điều kiện môi trường, chúng phát triển tốt trong môi trường ao tĩnh và dễ quản lý và là loài cá truyền thống mang nhiều giá trị dinh dưỡng cao.

Cá tra

Là loài cá chủ lực trong ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon cùng khả năng thích nghi với điều kiện nuôi thâm canh tốt đã giúp cá tra trở thành một trong những loài cá nuôi có giá trị kinh tế cao ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt

Nạo vét bùn đáy ao
Nạo vét bùn đáy.

Chuẩn bị ao nuôi cá nước ngọt

Chọn vị trí và thiết kế ao

Ao nuôi cần được xây dựng ở nơi có nguồn nước sạch, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo không bị ngập úng hoặc thiếu nước trong mùa khô, không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm như khu dân cư, khu công nghiệp hoặc nơi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ao nuôi thiết kế diện tích phù hợp dao động từ 500-3000m², với độ sâu từ 1.5-2m để đảm bảo cá có không gian sinh trưởng và phát triển tốt.

Xử lý đáy ao

Trước khi nuôi cần cải tạo kỹ lưỡng, tháo cạn nước, nạo vét bùn đáy (chỉ để lại lớp bùn 20-30cm) dọn sạch cỏ và rác ven bờ, kiểm tra hệ thống cống ao. Sau đó, cày xới đáy và bón vôi bột với liều lượng 10-15kg/100m², phơi ao từ 5-7 ngày để tiêu diệt mầm bệnh và điều chỉnh độ pH (từ 6.5-8.5).

Gây màu nước

Sau khi phơi ao, tiến hành cấp nước để gây màu tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Tạt Nano Silic để gây màu liều 1L/1000m3 nước kết hợp vi sinh bacillus để kích thích phát triển vi sinh vật, giữ màu nước đẹp và không bị nhiễm bẩn. Ngoài ra, bà con cũng có thể sử dụng phân chuồng đã xử lý (phân bò, phân gà) khoảng 2-3kg phân/100m² để gây màu nước xanh nhạt hoặc vàng nhạt.

Chọn và thả giống cá

Cá tra giống
Cá tra giống. Ảnh: Cá giống Tấn Dũng

Chọn giống

Cá giống đóng vai trò quyết định trong cả quá trình nuôi vì vậy cần chọn cá giống ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc ràng, khỏe mạnh, không bị dị tật, có kích thước đồng đều, không bị xây sát, mất nhớt. Cá giống phải bơi lội linh hoạt, kiểm tra cá không bị lở loét hoặc có ký sinh trùng bám trên thân.

Thả giống

Nên thả cá giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả cá cần thuần hóa để giảm sốc nhiệt và chênh lệch pH giữa nguồn nước vận chuyển và nước ao nuôi. Quá trình thuần hóa thường kéo dài 15-30 phút bằng cách ngâm túi cá giống trong nước ao để nhiệt độ cân bằng, sau đó mở túi để cá tự bơi ra từ từ.

Mật độ thả giống

Tùy thuộc vào đặc điểm của từng loài và diện tích ao nuôi mà điều chỉnh mật độ thả giống cho phù hợp. Đối với các loài cá lớn như cá trắm cỏ, cá tra, cá chép thì mật độ thả trung bình khoảng 2-5 con/m² và các loài có kích thước nhỏ hơn như cá rô phi, cá mè, cá lóc thì mật độ từ 5-10 con/m². Khi cá được thả nuôi ở mật độ phù hợp sẽ đủ không gian phát triển, giảm nguy cơ stress và ít nhiễm bệnh hơn.

Chăm sóc và quản lý ao nuôi

Quản lý thức ăn

Tùy thuộc vào đối tượng và hình thức nuôi mà có thể sử dụng toàn bô thức ăn công nghiệp hoặc kết hợp giữa thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên. Đối với các loài cá như rô phi, cá trê, cá mè,… nuôi bán thâm canh cần phối trộn thêm cám gạo, bột ngô hoặc rau muống vào khẩu phần của cá để tiết kiệm chi phí và giúp cá mau lớn hơn.

Đối với các loài nuôi thâm canh như cá tra, cá lóc cần sử dụng toàn bộ thức ăn công nghiệp để đẩy nhanh quá trình phát triển. Thông thường cá ở giai đoạn nhỏ cần lượng thức ăn có hàm lượng đạm cao hơn và giảm dần khi cá lớn.

Khi cho ăn cần chia nhỏ thành 2- 3 cữ/ngày để cá dễ tiêu hóa, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm nước ao. Lượng thức ăn cung cấp cần phù hợp với số lượng và kích thước cá, người nuôi cần quan sát kỷ sức khỏe cá và khả năng ăn hằng ngày để điều chỉnh cho phù hợp.

Quản lý chất lượng nước

Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá và các chỉ số nước như pH, nhiệt độ, oxy hòa tan, độ trong của nước. Đảm bảo pH duy trì ở mức 6.5-8.5, nhiệt độ từ 25-30°C và oxy hòa tan tối thiểu 3mg/l. Thay nước và xi-phong định kỳ từ 10-20% lượng nước trong ao để loại bỏ các chất hữu cơ, mùn bã và thức ăn thừa cũng như các chất độc hại như amoniac, nitrite lắng động dưới đáy.

Định kì sử dụng Nano Silic để gây màu nước tạo tảo khuê, giúp giảm tảo độc và giữ màu nước luôn ổn định. Khi sắp có mưa, người nuôi cần bón vôi xung quanh bờ ao và tạt xuống mé để giữ cân bằng pH và phòng bệnh cho cá.

Quản lý sức khỏe cá

Theo dõi sức khỏe cá

Quan sát cá thường xuyên: Theo dõi hoạt động, màu sắc, và tình trạng vây của cá để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như cá bơi chậm, có đốm lạ, hoặc mất cân đối. Sớm nhận biết bệnh sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn.

Bổ sung dinh dưỡng

Thường xuyên bổ sung định kỳ Nano Vitamin và khoáng vi lượng vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa hoặc khi phát hiện cá có dấu hiệu nhiễm bệnh. Khi cá lớn, cần tách bớt cá sang ao khác để giảm mật độ nuôi và hạn chế việc cạnh tranh thức ăn giúp giảm stress, phòng bệnh và tạo không gian tối ưu cho cá phát triển.

Các bệnh phổ biến thường gặp trong nuôi cá nước ngọt

Nấm thủy mi trên cá giống
Bệnh nấm thủy mi trên cá rô phi giống. Ảnh: Researchgate.

Bệnh nấm thủy mi

Bệnh nấm thủy mi trên cá do Saprolegia thuộc giống Leptolegnia gây ra, thường gây bệnh trên các loài cá da trơn và cá giống. Bệnh xuất hiện vào mùa lạnh khi môi trường ao nuôi không sạch hoặc nuôi ở mật độ cao làm tăng diện tích tiếp xúc khiến nấm lây lan nhanh và có hàm lượng chất hữu cơ cao.

Các sợi nấm có hình dạng trong suốt hoặc trắng đục, bám vào da, vây hoặc mang cá thành từng mảng giống bông gòn, làm hỏng các mô biểu bì và lan ra toàn bộ cơ thể từ đầu đến vây. Cá bị nhiễm nấm thủy mi bơi lội lờ đờ, mất thăng bằng và ít phản ứng với các kích thích bên ngoài nếu không được điều trị kịp thời có thể gây chết hàng loạt.

Phòng bệnh nấm thủy mi

Đầu tiên, cần giữ cho môi trường nước nuôi luôn sạch, thay nước và xi-phong định kỳ để loại bỏ các chất dư thừa tồn đọng dưới đáy ao.

Dùng vi sinh bacillus để bổ sung lợi khuẩn cho ao nuôi, nên thả ở mật độ vừa phải để tạo không gian tốt cho cá phát triển, hạn chế lây lan bệnh.

Định kỳ diệt khuẩn bằng Nano đồng (Nano Copper Pro) liều 1L/1000m3 nước để phòng nấm và diệt các vi khuẩn đây hại có trong ao.

Khi phát hiện bệnh lập tức ngừng cho ăn, tiến hành thay nước và diệt khuẩn bằng Nano đồng để ngăn ngừa lây lan và diệt nấm và giảm hao hụt đầu con.

Bệnh ký sinh trùng do giun tròn và sán dây

Bệnh kí sinh trùng do giun sán trên cá
Bệnh kí sinh trùng do giun sán trên cá. Ảnh: Vibo

Tác nhân gây bệnh giun tròn gồm nhiều loại khác nhau thuộc ngành Nematoda. Giun tròn có hình thái trơn nhẵn, hình trụ tròn và dài. Trong khi đó, sán dây lại có dạng dẹp, dài và có nhiều đốt. Vòng đời kí sinh của giun tròn cần một hoặc nhiều vật chủ trung gian để sống sót và lây nhiễm. Các kí chủ này có thể là giáp xác như cua, dẹm, ốc, hến… từ môi trường bên ngoài đi vào ao nuôi hoặc cá nuôi đã bị nhiễm kí sinh trùng từ giai đoạn đầu khi ao nuôi không được xử lý kỹ hoặc từ giai đoạn giống.

Dấu hiệu khi các nhiễm giun tròn và sán dây gồm xuất huyết, có nốt sần bên ngoài da, viêm hoặc hoại tử. Trong quá trình phát triển, giun sẽ di chuyển trong cơ thể cá và tạo ra đường mòn trong mô. Cá nhiễm giun sán thường có tỉ lệ chết thấp, chủ yếu là chậm tăng trưởng, bơi lôi thất thường, bụng phìng to và bỏ ăn dẫn đến giảm năng suất nuôi trồng.

Phòng bệnh kí sinh trùng do giun sán

Khi cá bị nhiễm kí sinh trùng do giun sán, cần sổ bằng kháng sinh Praziquantel với liều lượng 300mg/kg cá, hoặc sổ bằng Nano đồng trộn cho ăn liều 100ml/kg thức ăn kết hợp với tắm cá 1L/1000m3 nước liên tiếp từ 2-3 ngày.

Đối với ao nuôi nên làm hàng rào ngăn chặn các kí chủ trung gian để hạn chế lây nhiễm.

Bệnh xuất huyết

Bệnh xuất huyết trên cá
Bệnh xuất huyết trên cá tra do A. hydrophila gây ra.

Bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra là dịch bệnh nghiêm trọng trên cá nuôi. Vi khuẩn A. hydrophila là loài ưa ấm, chúng luôn hiện diện trong môi trường nước, bùn đáy, nước bẩn. Vì vậy vi khuẩn này có thể tìm thấy khi phân lập trên cá khỏe và cá bệnh. Khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi vi khuẩn sẽ tấn công làm cá nhiễm bệnh như cá bị stress, sốc nhiệt độ, cá bị trầy xước trong quá trình vận chuyển hoặc khi hàm lượng oxy hòa tan thấp.

Bệnh có tốc độ lây lan nhanh và có thể gây chết hàng loạt trên diện rộng. Biểu hiện của cá bị bệnh xuất huyết thường bỏ ăn, bơi lờ đờ gần mặt nước, phù mắt, chướng bụng. Xuất hiện các đốm đỏ có thể lan rộng và gây hoại tử trên da, vây, đuôi và cơ quan tiêu hóa của cá.

Phòng ngừa bệnh xuất huyết

Vệ sinh ao nuôi thường xuyên, xử lý bùn đáy và cải thiện chất lượng nước.

Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin C, dùng các loại thảo dược chứa beta-glucan và và bổ sung lợi khuẩn Bacillus hoặc Lactobacillus vào thức ăn và nước nuôi.

Dùng nano đồng diệt khuẩn định kì 5-7 ngày/lần, liều 1L/1000m3 nước để phòng ngừa vi khuẩn.

Khi phát hiện bệnh, sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào tính chất nước nuôi cũng như vùng nuôi tại nơi cá bị nhiễm bệnh, cần làm kháng sinh đồ để chọn loại kháng sinh phù hợp không gây kháng thuốc.

Nuôi cá nước ngọt là phương pháp nuôi trồng thủy sản bền vững. Việc quản lý chất lượng nước, mật độ nuôi, và khẩu phần ăn của cá là yếu tố quan trọng giúp hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Nuôi cá nước ngọt là một trong những ngành trọng điểm vì thế trong tương lai, việc ứng dụng công nghệ mới, sử dụng chế phẩm sinh học và vi sinh áp dụng vào nuôi cá nước ngọt sẽ là chìa khóa để phát triển bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Minh (Nano Vietnam Technology)

Bài viết liên quan

Đẩy mạnh phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực gỡ bỏ ‘thẻ vàng’ của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Đồn Biên phòng Hàm Luông, BĐBP Bến Tre đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế biển bền vững.

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật