
Phụ lục
ToggleĐặc điểm sinh học của tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là một trong những loài tôm nuôi phổ biến nhất trên thế giới. Chúng có tốc độ tăng trưởng nhanh, thích nghi với môi trường nuôi tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôm thẻ chân trắng thích hợp nuôi trong điều kiện nước lợ với nhiệt độ từ 25-30°C và độ mặn từ 5-35‰, điều này làm cho tôm thẻ trở thành lựa chọn lý tưởng cho các ao nuôi tại Việt Nam.
Với nhu cầu thị trường lớn và giá trị xuất khẩu cao, nuôi tôm thẻ chân trắng đã trở thành một ngành nghề quan trọng, góp phần đáng kể vào thu nhập của nhiều hộ gia đình và nền kinh tế quốc gia.
Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng
Chuẩn bị ao nuôi
Việc chuẩn bị ao nuôi là bước rất quan trọng để đảm bảo môi trường nuôi phù hợp cho tôm phát triển. Vị trí ao cần thoáng mát, có nguồn nước sạch và hệ thống thoát nước tốt.
Trước khi thả giống ao cần được xử lý cẩn thận, đối với ao không lót bạt, cần tháo cạn nước, nạo vét bùn, tu sửa bờ ao và cày xới đáy. Sau đó bón vôi CaO liều từ 40 – 100kg/1000m2 để cân bằng pH (pH thấp thì bón vôi ít và ngược lại).
Đối với ao có lót bạt cũng cần vệ sinh sạch sẽ và phơi nắng cho ao từ 2-3 ngày. Phun Chlorine vào chiều tối liều 10 ppm từ đáy ao và xung quang bờ ao để diệt khuẩn.
Cấp nước
Cấp nước vào ao lắng

Cấp nước vào ao lắng qua túi lọc để loại bỏ tôm, cá tạp, cua còng, ấu trùng hoặc các rác thải và lắng trong 3-7 ngày. Chạy quạt liên tục 2-3 ngày để kích thích các ấu trùng nở nếu có lẫn vào trong lúc cấp nước.
Sau 3 ngày, các ấu trùng đã nở tiến hành diệt tạp bằng saponin liều 1-2kg/1000m3 nước vào lúc 4-6 giờ sáng để tăng hiệu quả.
Sau 2 ngày diệt tạp, sử dụng Nano bạc liều 1lít/2000m3 nước hoặc Chlorine với nồng độ 25 ppm (25kg/1.000m3 nước) diệt vi khuẩn và sử dụng thuốc tím (KMnO4) đánh vào lúc sáng sớm liều 3-5kg/1000m3 để làm trong nước và hạ phèn. Sau 8-12 tiếng nếu màu nước từ tím chuyển sang hồng tức là thuốc tím đã đủ liều với môi trường ao nuôi. Còn tím chuyển sang nâu tức là thuốc tím chưa đủ liều phải đánh thêm vào sáng hôm sau. Lưu ý: Nếu dùng Nano Bạc thì không dùng kết hợp chung với các hóa chất như Chlorine, thuốc tím, BKC, Iodine và ngược lại.
Khi dùng Nano Bạc người nguôi có thể tiến hành cấp nước vào ao nuôi sau 2 giờ. Còn dùng hóa chất như Chlorine thì phải tiến hành chạy quạt liên tục trong 7 -10 ngày để phân hủy hết dư lượng Chlorine còn tồn động trong ao, sau đó kiểm tra lại nồng độ dư lượng bằng thuốc thử.
Cấp nước vào ao nuôi
Lấy nước từ ao lắng qua túi lọc vào ao nuôi, đảm bảo mực nước nuôi từ 1 – 1.5m, sử dụng Nano đồng với nồng độ 1ppm (1 lít /1000m3 nước) để diệt sạch các tạp chất và loại bỏ các mầm bệnh còn tiềm ẩn.
Gây màu nước
Gây màu nước là bước quan trọng giúp duy trì chất lượng nước, tạo điều kiện môi trường tối ưu cho tôm phát triển. Màu nước thích hợp sẽ giúp che bớt ánh sáng mặt trời, giảm sự phát triển của tảo độc và ngăn ngừa sự bùng phát vi khuẩn có hại. Dưới đây là các bước cơ bản để gây màu nước người nuôi có thể tham khảo:
Cách 1: Dùng men vi sinh Bacillus và Nano Silic
Dùng men vi sinh Nan Bacillus 500gr + 100 ml Nano Khoáng + 3kg mật đường + 50 lít nước sạch, ủ trong thùng lớn sục khí liên tục 24 giờ cho ra F1. Lấy 2 lít F1 cho vào thùng 50 lít nước sạch + 1kg mật đường, ủ yếm khí cho ra F2.
Cách tạt: Mỗi ngày tạt men đã ủ liều 1 thùng/lần/1000– 1500 m3, tạt vào buổi trưa. Tạt thêm Nano Silic để tạo tảo khuê với liều 500 ml/1000 m3 nước.
Cách 2: Sử dụng EM gốc
Sử dụng 1 lít EM gốc + 1 lít mật rỉ đường + 2 kg cám gạo + 10g muối + 46 lít nước sạch đem ủ kín từ 5-7 ngày. Cách dùng: 10 lít dùng cho 1000m3 nước, 2 ngày /lần.
Sau khi gây màu nước theo 1 trong 2 cách đã nêu trên thì tiến hành chạy quạt liên tục đến khi màu nước lên xanh nõn chuối hoặc màu bã trà có độ trong từ 30-40 cm thì thả giống.
Chọn giống và thả giống

Giống tôm thẻ chân trắng cần được chọn từ những cơ sở sản xuất giống uy tín, có kích thước từ PL10 trở lên đảm bảo tôm khỏe mạnh, không mang các mầm bệnh EHP, EMS, WSSV. Tôm giống thường được thả với mật độ từ 150-200 con/m². Việc thả giống cũng cần thực hiện cẩn thận để tránh sốc nhiệt và sốc môi trường.
Trước khi thả tôm, cần tiến hành sục khí và chạy quạt cho ao ít nhất 30 phút, sau đó kiểm tra lại nhiệt độ nước, độ mặn không chênh lệch quá 5% trong bao tôm giống so với nước trong ao sắp thả và các chỉ tiêu môi trường khác cho phù hợp.
Tiếp theo cần ngâm các bao tôm giống vào ao để cần bằng nhiệt độ nước từ 15- 20 phút, sau đó mới mở bao cho tôm bơi ra ngoài. Ngoài ra, nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn vì lúc này nhiệt độ mát sẽ hạn chế tình trạng sốc nhiệt cho tôm.
Chăm sóc và quản lý ao nuôi
Quản lý thức ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình nuôi tôm. Lựa chọn thức ăn chất lượng cao, dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng giúp tôm phát triển nhanh và khỏe mạnh.
Tôm từ giai đoạn PL10 cần lượng thức ăn vừa đủ và được chia thành 04 lần ăn trong ngày vào thời gian 7 giờ sáng, 11 giờ sáng, 2 giờ chiều và 6 giờ chiều. Không nên cho ăn quá nhiều để tránh lãng phí và ô nhiễm nước. Từ ngày thứ 20 trở đi bắt đầu đặt vó để tôm quen vó (nhá). Đến ngày thứ 22-25 thì bắt đầu căn lượng thức ăn cho tôm theo vó (nhá). Lượng thức ăn cho vào nhá là 1% và thời gian canh vó sau 1 giờ.
Đối với tôm thương phẩm lượng thức ăn tùy theo nhu cầu ăn của tôm và tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Hàng ngày cần kiểm tra lượng thức ăn thừa và các thông số môi trường nước nuôi thường xuyên, đặc biệt là việc xi phông loại bỏ phân tôm, xác tảo, và các loại tạp chất khác ra khỏi hệ thống nuôi để đảm bao môi trường nuôi luôn được ổn định, tránh để tôm sốc, kém ăn hoặc tình trạng giảm oxy hay tăng khí độc theo các chỉ tiêu như sau:
pH tối ưu từ 7.8 – 8.2 | Nên kiểm tra vào buổi sáng và chiều, đặc biệt chú ý sự chênh lệch không vượt quá 0,5 đơn vị trong ngày. |
Oxy hòa tan (DO): 5 – 7 mg/L | Kiểm tra vào sáng sớm và chiều tối vì lượng oxy có thể giảm mạnh vào ban đêm do hoạt động của tảo và vi khuẩn. |
Độ mặn: 10 – 25‰ | Tôm thẻ chân trắng có thể phát triển ở nhiều mức độ mặn khác nhau, nhưng dao động lớn trong độ mặn có thể gây stress cho tôm. |
Nhiệt độ nước: 28 – 32°C | Khi nhiệt độ nước vượt quá 33°C hoặc dưới 25°C, tôm dễ bị stress, ăn kém và tăng nguy cơ mắc bệnh. |
Amoniac (NH3) < 0,05 mg/L | Nồng độ NH3 cao gây độc cho tôm nuôi làm ảnh hưởng đến khả năng hô hấp và phát triển, tuy nhiên còn tùy thuộc vào độ pH trong ao nuôi. – pH: 7-7.5 thì NH3/NH4+ từ 1-5mg/l tôm vẫn có thể phát triển (<1.5 an toàn). – pH từ 7.8-8 thì NH3/NH4+: 0.5mg/l bắt đầu ảnh hưởng. – pH 8.5-9 thì NH3/NH4+: 0.5mg/l ảnh hưởng nghiêm trọng tôm bắt đầu rớt. |
Nitrite (NO2–) < 0,1 mg/L | – Nồng độ NO2– là chỉ số cho thấy sự phân hủy hữu cơ kém trong ao và tùy thuộc vào độ mặn. – Độ mặn càng cao thì ngưỡng chịu đựng của tôm với NO2– càng lớn. – Nồng độ NO2– từ 1mg/l có hại; 2mg/l nguy hiểm; 5mg/l ngộ độc. |
Độ kiềm: 120 – 180 mg/L | Độ kiềm ảnh hưởng đến độ ổn định pH và sự dao động của pH trong ao nuôi. |
Phòng bệnh cho tôm thẻ chân trắng
Việc duy trì môi trường nước sạch và ổn định là vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh cho tôm thẻ chân trắng. Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nước bằng cách loại bỏ chất thải, thức ăn thừa và duy trì các thông số nước ở mức tối ưu. Khi thay nước chúng ta cần thay nước với lượng vừa phải để tránh làm môi trường thay đổi đột ngột (<15% lượng nước ao nuôi).
Tạt vi sinh và thảo dược cũng là phương pháp hiệu quả để tăng cường khả năng phòng bệnh tự nhiên của tôm. Các vi sinh vật có lợi sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh trong nước, giảm sự phát triển của vi khuẩn có hại cạnh tranh như vi sinh Bacillus spp., Rhodobacter.sp, sử dụng chiết xuất từ thảo dược tỏi, diệp hạ châu, trâm bầu, v.v.
Ngoài ra, sử dụng chế phẩm sinh học và enzyme hỗ trợ tiêu hóa cũng là một giải pháp tốt để tăng cường sức khỏe đường ruột của tôm. Chế phẩm sinh học giúp cải thiện quá trình tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất, trong khi enzyme hỗ trợ tiêu hóa giúp tôm sử dụng thức ăn hiệu quả hơn, đồng thời giảm chất thải trong ao, tạo môi trường nuôi sạch và an toàn hơn.
Các bệnh phổ biến thường gặp ở tôm thẻ chân trắng
Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND – Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease)

Tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính được xác định là do các chủng vi khuẩn như Vibrio parahaemolyticus, V.punenis, V.harveyi, V.campbelli,… Trong đó loài V. parahaemolyticus là gây bệnh phổ biến nhất trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú nuôi thương phẩm.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND hay còn gọi là hội chứng tôm chết sớm EMS đã và đang được xem là mối nguy hại lớn đối với ngành nuôi tôm công nghiệp hiện nay. Bệnh thường xảy ra và phát triển nhanh ở các ao nuôi tôm, bắt đầu từ ngày thứ 8 sau khi thả nuôi và tỷ lệ tôm chết cao nhất vào giai đoạn từ 20-30 ngày đầu tiên có thể lên đến 100%. Tôm bệnh có biểu hiện giảm ăn, bơi châm và lờ đờ theo mé ao, vỏ tôm mỏng, màu sắc nhợt nhạt và gan tụy có biểu hiện sưng, nhũng hoặc teo.
Để phòng ngừa bệnh người nuôi cần lựa chọn con giống khỏe mạnh, nơi cung cấp giống uy tín và được kiểm nghiệm không nhiễm mầm bệnh APHND kết hợp với việc quản lý môi trường nuôi tốt, diệt khuẩn bằng nano đồng và tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các biện pháp thảo dược từ thiên nhiên như sử dụng chiết xuất từ cây diệp hạ châu, cây tầm xuân, bổ sung các probiotic cho ao nuôi để ức chế vi khuẩn gây bệnh.
Bệnh đốm trắng (White spot synfrome virus – WSSV)

Bệnh đốm trắng do virus WSSV gây ra, là loại virus DNA sợi kép có màng bọc, gây chết hàng loạt cho tôm nuôi trong tất cả các giai đoạn sống của tôm từ hậu ấu trùng đến trưởng thành. Tôm mắc bệnh xuất hiện các đốm trắng trên vỏ và cơ thể với đường kính 0.5-2.0 mm.
Tôm nhiễm bệnh sẽ giảm ăn, cơ thể chuyển từ màu hồng đến đỏ, thời gian bộc phát bệnh rất nhanh từ 2-7 ngày. Để phòng bệnh, cần kiểm soát chất lượng con giống, không thả giống từ những vùng đã có dịch, xử lý nước tốt, thực hiện khử trùng và diệt khuẩn định kì cho ao nuôi.
Bệnh phân trắng (White Feces Syndrome – WFD)

Phân trắng là loại bệnh phổ biến trên tôm nuôi bởi nhiều tác nhân gây ra do vi khuẩn, tảo độc và ký sinh trùng. Bệnh thường xuất hiện trong ao nuôi khi tảo lam phát triển quá mức và có hiện tượng tảo tàn trước đó kèm theo NH3 cao, kết hợp với nồng độ vi khuẩn Vibrio cao tạo điều kiện xâm nhập gây tổn thương gan tụy và hoại tử thành ruột hoặc tôm ăn phải nấm đồng tiền hay tôm nhiễm kí sinh trùng gregarine với cường độ > 100 bào tử /con làm cho tôm thải ra phân trắng và gây chết rãi rác.
Khi mắc bệnh tôm giảm ăn, màu cơ thể chuyển sang sậm hơn. Gan tụy nhạt màu, mềm nhũn, phần ruột và phân chuyển sang màu vàng hoặc màu trắng. Tôm mềm vỏ, xuất hiện các sơi phân trắng hoặc vàng nâu nổi lên trên bề mặt và dồn vào gốc ao cuối hướng gió hoặc có trong nhá tôm.
Để phòng ngừa phân trắng cần kiểm soát tốt mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi bằng nano đồng, quản lý tốt lượng thức ăn cho tôm tránh dư thừa, thường xuyên xi-phông để loại bỏ tạp chất, duy trì mật độ tảo ổn định, sử dụng các men vi sinh bacillus để phân hủy các chất hữu cơ nước và đáy ao.
Khi thấy tôm có dấu hiệu bệnh cần ngưng cho ăn 1-2 ngày, tăng cường chạy quạt và thay nước sạch từ 30% kết hợp với tạt vi sinh liều cao để xử lý nước. Trộn men tiêu hóa và tỏi cho tôm ăn xen kẽ, thực hiện các thao tác trên liên tục trong 5 – 7 ngày.
Bệnh đen mang trên tôm thẻ chân trắng (Black gill disease)

Bệnh đen mang trên tôm thẻ chân trắng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như do nấm thuốc giống Aspergillus, do môi trường, kim loại nặng, ngoại kí sinh trùng hoặc do môi trường thiếu dinh dưỡng.
Khi tôm mới bắt đầu nhiễm bệnh sẽ xuất hiện các mảng màu đen trên bề mặt mang tôm từ màu hơi đen, sau đó chuyển dần sang đen sẫm khi bệnh tiến triển nặng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình hô hấp làm tôm yếu dần và dễ chết.
Khi bệnh xuất hiện người nuôi cần xác định tôm đen mang do nguyên nhân nào, trong quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm soát tảo và khí độc trong ao nuôi, xi phông ao định kì kết hợp dùng men vi sinh để phân giải các chất hữu cơ lắng tụ trong nước. Định kì dùng yucca hấp thu khí độc và diệt khuẩn nước duy trì môi trường nuôi sạch sẽ, việc phòng bệnh sẽ hiệu quả hơn.
Nuôi tôm thẻ chân trắng đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức vững vàng về kỹ thuật nuôi và phòng bệnh để đảm bảo năng suất cao và bền vững. Bằng việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, quản lý chặt chẽ từ khâu chọn giống, chăm sóc đến quản lý môi trường ao nuôi, người nuôi có thể giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và đạt được hiệu quả kinh tế tốt.
Nano Vietnam Technology