Miền Trung: Người nuôi trồng thủy sản trắng tay sau lũ

Chưa năm nào người nuôi trồng thủy sản ở miền Trung lại thất bát đến mức thảm hại như vậy. Mưa lũ do ảnh hưởng bão số 1 những ngày qua khiến hàng ngàn hécta nuôi tôm, cá ở khu vực ven biển bị cuốn trôi, phần còn lại chết ngạt vì con nước bạc cuồn cuộn ập về từ thượng nguồn.

Tôm, cá chết do ngạt nước

Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được xem là “thủ phủ” nuôi tôm ở Quảng Trị với 171ha ao hồ, nay chỉ còn mênh mông biển nước. Đứng giữa dòng người thẫn thờ nhìn về sông Bến Hải, nơi gần cửa biển, anh Trần Văn Thủy, chủ 2 hồ tôm ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, gần như bất lực khi thấy những con tôm to bằng ngón tay cái còn lại chết ngạt nổi đầy mặt hồ.

“Từ tháng 12-2024, gia đình tôi thả hơn 2 vạn giống tôm xuống diện tích 2ha ao hồ. Tiền con giống, thức ăn, công sức chăm sóc tốn gần 200 triệu đồng, dự kiến giữa tháng 6 này, gia đình thu hoạch, xuất bán khoảng 2 tấn tôm, tương đương số tiền 500 triệu đồng. Thế mà chỉ trong một đêm, bão lũ cuốn trôi tất cả”, anh Thủy chia sẻ.

 Người nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vớt cá nuôi nước lợ chết ngạt

Người nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vớt cá nuôi nước lợ chết ngạt

Theo ông Trần Văn Lĩnh, một chủ hộ nuôi trồng thủy sản tại Vĩnh Sơn, không chỉ riêng Vĩnh Sơn, phần lớn người nuôi trồng thủy sản ở Quảng Bình, Quảng Trị và TP Huế đều trắng tay trong trận mưa lũ dị thường vừa qua. Nhà mất ít thì một hai trăm triệu, nhà mất nhiều thì cả tỷ đồng. Nghe đài báo bão, vợ chồng tôi vội chạy đi mua cọc và lưới để giăng quanh hồ; song đến tầm 1 giờ sáng 13-6, lũ lên quá nhanh, cao hơn 2m đã cuốn văng cả lưới lẫn tôm. Những con tôm sót lại bị sốc nước khi gặp dòng lũ chảy xiết, đến ngày hôm sau thì chết.

Ngược vào cuối nguồn sông Hiếu, người dân nuôi trồng thủy sản ở đây đang nỗ lực vớt vát từng con cá chết mang đi bán rẻ hoặc làm thức ăn cho gia súc. Nhiều người suy sụp vì cả gia tài mất sạch chỉ sau một đêm.

Bà Hoàng Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chia sẻ, trên địa bàn có 10 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Hiếu với số lượng 30 lồng; thả nuôi khoảng 32.000 con cá bớp, vược, đù… đều bị chết do bị ngạt nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Khu vực lồng bè nuôi cá ở gần cửa biển có độ mặn cao, khi nước lũ đổ về làm giảm độ mặn đột ngột dẫn đến cá chết hàng loạt. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, ở thị trấn Cửa Việt còn có khoảng 13ha nuôi tôm bị ngập với thiệt hại ước tính 1,2 tỷ đồng.

Huế và Quảng Trị nỗ lực cứu gần 44.000ha lúa bị ngập úng

Ngày 15-6, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân và chính quyền tỉnh Quảng Trị và TP Huế triển khai các giải pháp tiêu úng, cứu lúa hè thu mới xuống giống bị ngập (Quảng Trị 21.211ha, TP Huế 22.418ha) trong mưa lũ do ảnh hưởng bão số 1.

Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn TP Huế, ngoài 120 trạm bơm điện, TP Huế còn huy động 507 máy bơm dầu hoạt động ngày đêm tiêu úng cho lúa hè thu. Theo đánh giá ban đầu, khả năng diện tích lúa phải gieo sạ lại khoảng 5.000-10.000ha.

Cùng ngày, lãnh đạo Sở NN-MT TP Huế cho biết, địa phương dự trữ khoảng 1.000 tấn lúa giống tại Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi; kho dự trữ quốc gia để phục vụ công tác khắc phục diện tích lúa bị hư hỏng không thể phục hồi. Nếu diện tích gieo sạ lại khoảng 10.000ha, lượng giống lúa hiện đang dự trữ sẽ đáp ứng đủ cho hoạt động gieo sạ lại trên toàn địa bàn.

Thống kê ban đầu từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và TP Huế, mưa lũ từ ngày 12 đến 13-6 đã làm thiệt hại khoảng 2.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ. Cùng với đó, hàng trăm hécta ao hồ và các lồng bè nuôi cá nước ngọt cũng bị chết hoặc cuốn trôi vì mưa lũ.

 

VĂN THẮNG – LINH LINH – Nguồn Báo mới

Bài viết liên quan

Làm chủ công nghệ nuôi cá chim vây vàng trên biển

Sau thời gian tiếp nhận quy trình và ươm nuôi cá chim vây vàng, đến nay, Dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng tại Phú Yên do Công ty CP Thủy sản Tôm Vàng (TP Tuy Hòa) chủ trì thực hiện, đã làm chủ được công nghệ giống và công nghệ nuôi cá chim vây vàng, một loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng nuôi công nghiệp bằng lồng HDPE trên các vùng biển của tỉnh.

Thuỷ sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn

Cà Mau – Với vị trí địa lý đặc thù là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau sở hữu bờ biển dài, nhiều cửa sông lớn thông ra biển, mở ra tiềm năng to lớn cho nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Ðặc biệt, sau hợp nhất giữa 2 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu sẽ tạo không gian phát triển kinh tế thuỷ sản rộng lớn.

Nhân đôi thế mạnh

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế của Bạc Liêu có sự tương đồng với Cà Mau về tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì thế, việc hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mở ra nhiều kỳ vọng phát triển bứt phá cho vùng đất cuối trời Tổ quốc, khi nguồn lực được tập trung, khai thác và phát huy.

Bài viết mới nhất

Sản phẩm nổi bật